Phát hiện "quái vật xanh" trong cổ mộ 1.400 năm tuổi ở Trung Quốc

  •  
  • 1.818

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một cổ mộ 1.400 năm tuổi ở Trung Quốc, bên trong chứa một số hình ảnh độc đáo nhất từng được tìm thấy, có ý nghĩa lịch sử rất lớn, bao gồm bức tranh vẽ một con "quái vật xanh".

Theo Express, cổ mộ nằm ở thành phố Xinzhou, Trung Quốc và trong ngôi mộ có chứa một loạt các hiện vật lịch sử. Cổ mộ đã bị phá hoại và hư hại nghiêm trọng do cướp bóc đồng thời thi thể của chủ nhân ngôi mộ cũng đã bị mất tích. Trong ngôi mộ chỉ còn lại một số mảnh vỡ của quan tài nên chưa rõ đây là ngôi mộ của ai.

Một lối vào và hành lang cổ mộ vẫn còn nguyên vẹn những bức tranh tường cỡ lớn.
Một lối vào và hành lang cổ mộ vẫn còn nguyên vẹn những bức tranh tường cỡ lớn.

Tuy nhiên, do quy mô rất lớn của ngôi mộ cùng các hiện vật còn sót lại, các nhà khảo cổ cho rằng đây phải là nơi an nghỉ của một nhân vật quyền lực thời đó.

Các nhà khảo cổ học cũng phát hiện ra, một số khu vực lối đi và hành lang trong cổ mộ vẫn chưa bị cướp phá, nhờ vậy một số hiện vật và nhiều bức tranh tường vẫn được bảo quản trong tình trạng khá tốt, còn nguyên vẹn.

Các bức tranh tường bao gồm các bức vẽ thần thoại độc đáo bao gồm hình ảnh về một con "quái vật xanh" cũng như hình ảnh những người buôn bán ngựa, săn bắn và làm việc trong một ngôi nhà.

Bức vẽ "quái vật xanh" độc đáo trong cổ mộ.
Bức vẽ "quái vật xanh" độc đáo trong cổ mộ.

Báo cáo về cuộc khai quật cổ mộ cho biết, những bức tranh tường được tìm thấy đều cung cấp thông tin rất có giá trị cho (các nghiên cứu) về đời sống xã hội, lịch sử, văn hóa và thực hành quân sự ở thời kỳ đó.

Phát hiện về các hiện vật trong cổ mộ rất độc đáo vì những bức tranh tường đầy màu sắc bao phủ 80m2 của lăng mộ. Những bức tranh vẽ cả phụ nữ và đàn ông, có cặp đang thưởng thức một bữa tiệc, có người đang chơi nhạc cụ...

Một bức tranh tường khác trong cổ mộ.
Một bức tranh tường khác trong cổ mộ.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học Trung Quốc phát hiện cổ mộ có những bức tranh tường quý hiếm.

Vào năm 2013, các nhà khảo cổ học phát hiện một ngôi mộ được bảo quản cực kỳ tốt ở thành phố Shuozhou. Nơi đây chôn cất một chỉ huy quân đội và vợ của ông này cách đây khoảng 1.500 năm.

Vào tháng 1/2015, một ngôi mộ khác được phát hiện khi mưa làm sạt lở đất trên một sườn đồi trong vùng. Ngôi mộ được cho là có từ thời nhà Nguyên, khoảng 700 năm trước.

Cuối năm 2015, các nhà khảo cổ học làm việc tại khu di tích Shimao thời kỳ đồ đá mới cũng phát hiện được những mảnh bích họa. Điều này có thể chỉ ra rằng quy trình cơ bản của việc tạo ra các bức tranh tường ở Trung Quốc có thể đã xuất hiện từ khoảng 4.000 năm trước.

Cập nhật: 28/08/2020 Theo Dân Việt
  • 1.818