Hôm qua, các nhà khoa học Trung Quốc xác nhận hai con heo bệnh ở đảo Bali (Indonesia) đúng là do nhiễm virus cúm gia cầm. Virus trong hai con heo là một biến thể của H5N1.
Bác sĩ Zhong Nanshan, chuyên gia y tế nổi tiếng của Trung Quốc, cho biết điều này có nghĩa người bị nhiễm virus cúm gia cầm cũng có thể tạo ra virus biến thể vì một số cơ quan nội tạng heo gần giống của con người.
Còn nhà virus học Albert Osterhaus khẳng định: “Chúng ta biết dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 (làm 50 triệu người trên thế giới thiệt mạng) là do một chủng virus gia cầm đã biến đổi cấu trúc để có thể truyền từ người sang người thông qua con vật trung gian là heo”. Trong khi đó, ông Osterhaus, cũng là người đầu tiên tìm ra mối quan hệ giữa mèo và cúm gia cầm, phân tích: “Đối với H5N1, con đường biến thể có thể thông qua mèo”.
Hôm 25-1, giới khoa học Indonesia cũng cảnh báo mèo có thể truyền cúm gia cầm sang người. Khi nghiên cứu 500 con mèo hoang ở các khu vực có dịch cúm gia cầm tại Indonesia, bác sĩ Chairul Anwar Nidom - thuộc Trường đại học Airlangga - phát hiện 20% số mèo này có kháng thể H5N1.
Chuyển gia cầm xuống bán ở chợ Makassar, tỉnh nam Sulawesi, Indonesia (Ảnh: AFP)
MINH HUY