Xác cá voi hiếm gặp nhất thế giới dạt vào bờ biển New Zealand

Giải mã bí ẩn loài cá voi răng thuổng quý hiếm nhất thế giới
  •  
  • 326

Các nhà khoa học cho biết xác của một con cá voi răng thuổng đã dạt vào một bãi biển ở New Zealand. Đây là loài cá voi hiếm gặp và chưa một ai quan sát được khi chúng ở dạng sinh vật sống.

Cá voi quý hiếm nhất thế giới đã dạt vào bãi biển New Zealand.
Cá voi quý hiếm nhất thế giới đã dạt vào bãi biển New Zealand. (Ảnh: news-journal.com).

Xác cá voi dài 5m được tìm thấy gần cửa sông ở tỉnh duyên hải Otago, phía Nam New Zealand, ngày 4/7. Các chuyên gia về động vật biển có vú tại Cơ quan Bảo tồn New Zealand và Bảo tàng quốc gia Te Papa xác định đây là một con cá voi răng thuổng đực. Hiện tại xác cá voi đã được đưa vào kho lạnh và các mẫu gene được gửi tới trường Đại học Auckland để tiến hành giám định ADN.

Ông Gabe Davies - người quản lý hoạt động duyên hải tại tỉnh Otago của Cơ quan Bảo tồn New Zealand - cho biết: "Cá voi răng thuổng là một trong những loài động vật lớn có vú ít được biết đến nhất ở thời hiện đại. Kể từ những năm 1800, mới chỉ có 6 mẫu vật liên quan loài vật này được ghi nhận trên toàn thế giới. Trong số này, có tới 5 mẫu vật tìm được tại New Zealand".

Theo Cơ quan Bảo tồn New Zealand, với xác cá voi này, các nhà khoa học sẽ có cơ hội đầu tiên để phân tích sâu hơn về loài động vật "rất hiếm và hầu như không có thông tin gì về chúng".

Cá voi răng thuổng được mô tả lần đầu tiên vào năm 1874, dựa trên một hàm dưới và hai chiếc răng được thu thập từ quần đảo Chatham, ngoài khơi bờ biển phía Đông của New Zealand. Mẫu này cùng phần còn lại của bộ xương thuộc hai mẫu vật khác được tìm thấy ở New Zealand và Chile, đã giúp các nhà khoa học xác nhận một loài mới.

Theo chuyên gia Vanessa Pirotta, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu thành phần dạ dày, ADN của cá voi và so sánh chúng với các dữ liệu tổng hợp từ các mẫu vật trước đó. Điều này có thể giúp làm sáng tỏ hành vi của cá voi, số lượng của chúng và lý do tại sao chúng rất hiếm.

Ngày 2/12, các nhà khoa học và văn hóa từ nhiều nơi trên thế giới bắt đầu tiến hành giải mã loài cá quý hiếm này. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học và chuyên gia văn hóa tiến hành giải phẫu một mẫu vật gần như hoàn hảo của loài này, đánh dấu bước ngoặt trong việc giải mã những bí ẩn kéo dài hàng thập kỷ.

“Đây thực sự là một cơ hội phi thường”, ông Anton van Helden, cố vấn cao cấp về khoa học biển của cơ quan bảo tồn New Zealand, chia sẻ với sự phấn khích. Ông là người đặt tên cho loài cá voi này sau hơn 35 năm nghiên cứu các loài cá voi có mỏ.

Hiện tại, các nhà khoa học hầu như không biết gì về loài cá voi này. Không rõ chúng sống ở đâu, ăn gì, cách chúng phát âm thanh hoặc cơ chế hoạt động của hệ tiêu hóa.

Ông van Helden hào hứng nói tiếp: “Chúng tôi có thể phát hiện ra những ký sinh trùng hoàn toàn mới trong cơ thể loài cá voi này. Ai biết được chúng tôi sẽ tìm thấy gì”.

 Xác cá voi răng thuổng được cẩu mang đi khỏi bãi biển New Zealand.
Xác cá voi răng thuổng được cẩu mang đi khỏi bãi biển New Zealand. (Ảnh: gingerapple).

Hợp tác văn hóa và tôn trọng truyền thống Māori

Quá trình nghiên cứu lần này không chỉ mang tính khoa học mà còn được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ cùng cộng đồng người Māori, dân tộc bản địa của New Zealand. Theo tín ngưỡng của Māori, cá voi là một "taonga", báu vật quý giá, được coi như món quà từ Tangaroa, vị thần biển cả.

Ông Tumai Cassidy, đại diện của người dân địa phương cho biết: “Đối với chúng tôi, cá voi là món quà thiêng liêng. Chúng tôi phải trân trọng và tôn vinh món quà này”.

Trước khi bắt đầu, các nhà khoa học và đại diện Māori đã cùng đọc karakia, lời cầu nguyện truyền thống. Các thành viên bộ tộc cũng sẽ giữ lại xương hàm và răng cá voi để làm di sản văn hóa, trong khi các bộ xương còn lại sẽ được trưng bày tại bảo tàng. Công nghệ in 3D sẽ được sử dụng để sao chép các bộ phận quan trọng sau khi quét CT phần đầu cá voi.

Ý nghĩa khoa học và bức tranh đại dương sâu thẳm

Loài cá voi răng thuổng được cho là sinh sống ở vùng Nam Thái Bình Dương, nơi có những rãnh đại dương sâu nhất thế giới. Các loài cá voi có mỏ thường là những thợ lặn sâu bậc thầy để kiếm ăn, và có thể vì lý do này mà chúng hiếm khi xuất hiện trên mặt nước, làm tăng thêm sự bí ẩn.

Lần nghiên cứu này cũng thu hút sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế, như Joy Reidenberg, một nhà giải phẫu so sánh từ Trường Y khoa Icahn tại New York (Mỹ). Bà nhận định: “Chúng tôi không chỉ quan tâm đến cách chúng chết, mà còn muốn biết chúng đã sống như thế nào. Những phát hiện này có thể giúp chúng ta hiểu thêm và áp dụng cho con người”.

Hành trình khoa học và khám phá tương lai

Kể từ khi xương cá voi răng thuổng lần đầu được tìm thấy vào năm 1872 tại Đảo Pitt, New Zealand, loài này đã thách thức sự hiểu biết của nhân loại. Năm 2002, công nghệ giải trình tự ADN xác nhận đây là một loài riêng biệt, nhưng mãi đến năm 2010, hai mẫu vật nguyên vẹn mới được phát hiện.

Ngày nay, với mẫu vật thứ bảy, các nhà khoa học New Zealand hy vọng sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến những khám phá chưa từng có về loài cá voi hiếm nhất thế giới và cả về các bí mật của đại dương.

Ông Cassidy cho biết đang xây dựng một bức tranh toàn diện hơn về loài vật này để từ đó hiểu rõ hơn cách loài cá voi quý hiếm này tương tác với đại dương, môi trường sống quan trọng nhất của Trái đất.

Cập nhật: 03/12/2024 TTXVN/Báo Tin tức
  • 326