Xử trí ban đầu khi bị bỏng mắt

  •  
  • 6.724

Bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa vì bệnh thường nặng và thường gặp ở hai mắt. Nhiều trường hợp mặc dù đã được cấp cứu kịp thời, nhưng vẫn để lại những di chứng nặng ảnh hưởng đến thị lực và thẩm mỹ hoặc mù lòa. Vì vậy việc cấp cứu khẩn trương trong những giờ phút đầu tiên sau bỏng sẽ hạn chế được rất nhiều tác hại của bỏng đối với mắt.

Mắt bị bỏng

Mắt bị bỏng (Ảnh: biola)

Trong thời bình, bỏng mắt chiếm 6-10% các trường hợp chấn thương mắt mà nguyên nhân chủ yếu là do hóa chất, nhất là bỏng mắt do axit hoặc kiềm ngày càng có xu hướng gia tăng cùng với việc tăng sản xuất hóa chất, sử dụng hóa chất sai mục đích.

Nguyên nhân: Một số nạn nhân bị kẻ xấu hắt axit vào mặt do ghen tuông hoặc thâm thù cá nhân, một số người khác trong quá trình sử dụng hoặc vận chuyển, do bất cẩn làm hóa chất bắn vào mắt gây bỏng.

Tiên lượng của bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào việc điều trị sớm hay muộn. Bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu phụ thuộc vào nồng độ và độ pH của hóa chất, thời gian hóa chất lưu lại trong mắt.

- Các axit loãng thường chỉ gây những tổn thương nhẹ và nông.

- Các axit đặc hoặc nguyên chất có độ pH < 2.5 gây ra những tổn thương hoại tử rất nặng ở giác mạc.

Do axit khi tiếp xúc với mô và tổ chức sẽ gây hoại tử đột ngột làm đông vón các protein bề mặt, do đó ngăn cản sự lan tỏa của hóa chất. Axit không lan tỏa theo chiều sâu vào trong các mô của mắt vì vậy sẽ gây tổn thương ngay từ đầu. Tiên lượng có thể biết được ngay sau bỏng.

Bỏng mắt do các loại bazơ là trầm trọng nhất do khi tiếp xúc với tế bào làm tan rã tế bào, gây nhuyễn mô, gây phản ứng xà phòng hóa ngấm sâu, hút nước của tế bào và sinh ra nhiệt gây bỏng. Bỏng thường nặng do sự tỏa lan của bazơ vào mắt theo bề rộng và chiều sâu, tác dụng kéo dài trong nhiều ngày. Khó có thể tiên lượng ngay lúc đầu và luôn phải dè dặt ngay cả những trường hợp tổn thương ban đầu không nặng lắm. Các bazơ nguy hiểm nhất là những dung dịch đậm đặc, nhóm amoni và các hợp chất của nó, vôi, xi măng.

Xử trí ban đầu:

Tiên lượng của mắt bị bỏng phụ thuộc vào việc cấp cứu ở những giây phút ban đầu sau bị bỏng, do đó việc xử trí cấp cứu ở nơi xảy ra tai nạn là điều cần được phổ biến và hướng dẫn cho mọi người. Việc cần khẩn cấp tiến hành đầu tiên là loại trừ tác nhân gây bỏng ra khỏi mắt bằng cách rửa mắt với nhiều nước và kéo dài bằng huyết thanh sinh lý, nước sạch. Trong điều kiện không có nước sạch thì phải chấp nhận cả nước không sạch (nước ao, hồ, ruộng...) để rửa mặt.

Tác dụng của việc rửa mắt:

- Loại trừ tác nhân gây bỏng ra khỏi mắt.

- Giảm nồng độ của hóa chất gây bỏng.

- Kiểm kê được tổn thương.

- Hạn chế các di chứng về sau.

Cách rửa:

- Có thể tự bệnh nhân rửa bằng cách ngâm mặt - mắt xuống nước và cố gắng chớp mắt thật nhiều lần trong nước để nước lưu thông toàn bộ bề mặt mắt.

- Những người khác có thể giúp bệnh nhân rửa mắt bằng cách dùng vòi nước, gáo, xô, chậu... để xối nước vào trong mắt bệnh nhân trong tư thế bệnh nhân nằm ngửa, mắt mở chủ động hoặc người khác phải vành mi giúp.

- Lượng nước rửa ít nhất phải vài lít.

- Thời gian rửa ít nhất 10 - 15 phút.

Lưu ý: Tuyệt đối không được rửa mắt bằng các dung dịch trung hòa axit bằng bazơ và ngược lại vì sẽ làm cho tình trạng bỏng ở mắt nặng thêm.

Như vậy rửa mắt tại nơi xảy ra tai nạn là một biện pháp đơn giản nhưng lại rất có giá trị làm cho tác nhân gây bỏng không còn lại ở bề mặt nhãn cầu và các túi cùng kết mạc để xâm nhập vào các tổ chức bên trong mắt, bảo tồn chức năng sinh lý của mắt. Kết quả điều trị tốt hay xấu là do cách xử trí cấp cứu ban đầu quyết định. Sau khi đã xử trí sơ cứu kịp thời, tra mỡ kháng sinh cần chuyển bệnh nhân tới chuyên khoa mắt để được điều trị. Khi chuyển bệnh nhân, chống chỉ định băng mắt mà chỉ che mắt.

Chú ý: Đối với những trường hợp bỏng mắt do vôi phải gắp vôi cục ra hết sau đó mới rửa mắt.

Phòng tránh tai nạn bỏng:

- Giáo dục ý thức đề phòng tai nạn chấn thương mắt cho tất cả mọi người đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, người lao động.

- Cải thiện điều kiện lao động và tăng cường bảo hộ lao động cho công nhân: Trong các nhà máy, xí nghiệp, phòng thí nghiệm sử dụng các hóa chất cần phải đeo kính bảo vệ mắt. Cần tổ chức cấp cứu đầy đủ, có vòi nước, thùng nước và nước sạch để rửa mắt.

- Cần nghiêm trị những kẻ dùng hóa chất làm hại người khác vì bất kỳ lý do nào.

- Ngăn cấm trẻ em đứng cạnh hố vôi đang tôi hoặc nghịch ngợm ném vôi vào mắt nhau.

- Tại những nơi tôi vôi phải được rào cọc xung quanh và phải có biển báo nguy hiểm.

BS. Lê Học Hân

Theo Nhân dân
  • 6.724