Xương gà tây mài nhọn dùng để xăm 5.500 năm trước

  •  
  • 205

Các chuyên gia tìm thấy chất màu và các công cụ làm từ xương gà tây cổ xưa nhất thế giới mà người Mỹ bản địa từng dùng để xăm.

4 đoạn xương cổ chân gà tây dùng làm dụng cụ xăm hàng nghìn năm trước
4 đoạn xương cổ chân gà tây dùng làm dụng cụ xăm hàng nghìn năm trước. Ảnh: Aaron Deter-Wolf.

Nhóm nghiên cứu của chuyên gia Aaron Deter-Wolf tại Sở Môi trường và Bảo tồn Tennessee tiến hành phân tích chi tiết các công cụ xương gà tây sắc nhọn tại Fernvale, di chỉ khảo cổ của người Mỹ bản địa ở bang Tennessee, Science Alert hôm 27/5 đưa tin. Chúng từng được phân loại đơn giản là "công cụ" sau khi khai quật vào năm 1985. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy đây có thể là vật dụng dùng để xăm mình cổ xưa nhất thế giới.

"Trong nghiên cứu này, chúng tôi không chỉ tiến hành phân loại hình thái cơ bản. Chúng tôi kết hợp phân tích khảo cổ học động vật, đánh giá kỹ thuật, phân tích độ mòn sử dụng và nghiên cứu khoa học vật liệu để kiểm tra các công cụ xương khai quật từ một di chỉ của người Mỹ bản địa cổ đại ở vùng trung tâm Tennessee", nhóm chuyên gia cho biết.

Các phân tích hé lộ, khoảng năm 3500 - 1600 trước Công nguyên, cư dân tại Fernvale đã dùng xương gà tây hoang mài nhọn và các chất màu đỏ, đen để xăm mình. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Archaeological Science.

Bộ dụng cụ phát hiện tại Fernvale gồm 4 xương cổ chân mài nhọn, trong đó hai chiếc có đầu nhọn còn nguyên vẹn, và hai xương quay nhỏ hơn với vết chất màu vẫn còn thấy rõ. Nhóm chuyên gia quan sát chúng rất kỹ dưới kính hiển vi để thống kê những vết tích để lại do chế tạo và mài mòn. Ngoài ra, họ cũng sử dụng quang phổ huỳnh quang tia X để giúp xác định các chất màu.

Nhóm nhà khoa học so sánh các phân tích mới với kết quả của một nghiên cứu cũ. Trong nghiên cứu này, một nhóm nhà khảo cổ khác đã chế tạo các công cụ xăm sắc nhọn từ xương hươu đuôi trắng rồi thử xăm da lợn nhằm tìm hiểu xem chúng sẽ tạo ra những dấu vết chế tạo và mài mòn như thế nào.

Phân tích quang phổ chỉ ra, các vết màu đỏ và đen trên xương quay có thể bắt nguồn từ oxit sắt và carbon - cả hai đều được ghi nhận là vật liệu xăm truyền thống trong các tài liệu khảo cổ. Ngoài ra, những vết mòn và cặn màu lưu lại trên xương gà tây cũng khớp với vết mòn và cặn màu trên xương hươu.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một số mảnh vỏ của động vật thân mềm hai mảnh vỏ tại di chỉ Fernvale bị dính màu. Họ cho rằng nhiều khả năng chúng được dùng làm đồ đựng chất màu trong quá trình xăm.

Cập nhật: 30/05/2021 VnExpress
  • 205