Bệnh não kỳ lạ giúp khoa học hiểu hơn về cách não bộ tiếp nhận thông tin

  •  
  • 794

Khả năng không đọc nổi số của người đàn ông này có thể cho ta hiểu thêm về cách thức bộ não con người hoạt động. Báo cáo khoa học về căn bệnh kỳ lạ chỉ ra rằng não bộ của ta có thể nhận ra được những khái niệm phức tạp như số trước cả khi não xử lý xong thông tin nhận vào qua mắt.

Người đàn ông trong nghiên cứu có tên RFS. Cuối năm 2010, ông trải qua nhiều cơn đau đầu triền miên, mất trí nhớ và xuất hiện các triệu chứng bất ổn thần kinh. Đầu năm 2011, RFS được chẩn đoán mắc chứng rối loạn thoái hóa não bộ có tên hội chứng corticobasal (CBS) - chứng bệnh thường xuất hiện trên người già (RFS lúc đó đã ngoài 60) và gây nên co thắt cơ bắp, mất khả năng di chuyển chi và nhiều vấn đề giác quan khác. Căn bệnh này tiến triển theo thời gian.

Ngoài các triệu chứng trên, RFS kể lại với bác sĩ rằng mình không thể nhìn được các con số từ 2 tới 9; ngồi đối diện với chúng, ông chỉ nhìn thấy những đường màu đen ngoằn ngoèo. Nếu các số trên có màu, chúng sẽ biến thành màu nền nằm dưới các đường màu đen kia. Quay đi quay lại, những đường loằng ngoằng đó sẽ thay đổi, khiến RFS không thể định dạng các con số mình nhìn được.

Hội chứng rối loạn thoái hóa não bộ

Ngay sau khi phản ánh hiện tượng lạ với các y bác sĩ đang chăm sóc mình, các nhà khoa học thần kinh ngay lập tức chú ý tới hiện tượng lạ và tiến hành nghiên cứu não bộ RFS suốt 8 năm tiếp theo. Kết quả báo cáo mới được đăng tải trên tạp chí uy tín PNAS.

Vấn đề ở chỗ, ông ấy rất giỏi chuyện số má. Ông là một kỹ sư, thường xuyên làm việc với các con số. Ông vẫn có thể làm toán, vẫn hiểu số là gì và cách vận dụng chúng”, Michael McCloskey, tác giả nghiên cứu và nhà khoa học nhận thức tại Đại học John Hopkins, nói. “Khi ông nhìn vào con số, ví dụ như số 8 hoặc số 3 chẳng hạn, chúng hỗn loạn hết cả - theo lời ông thì chúng trông như mấy sợi mỳ spaghetti nằm vương vãi”.

Điều này kỳ lạ vô cùng, bởi nhiều sự vật, ký tự khác cũng mang hình dạng con số, chẳng hạn như chữ “B” trông rất giống số “8”, thế nhưng ông RFS không gặp vấn đề khi nhìn những ký tự kia. Tuy rằng ông nhìn những chữ cái như M, N, P, R, S, Z không rõ ràng lắm, nhưng ông vẫn thể nhận dạng được chúng. RFS cũng vẫn đọc số La Mã bình thường, vẫn nhìn rõ được hai chữ số “0” và “1”, chỉ có các số từ 2 tới 9 làm ông bối rối.

Ông RFS vẽ lại những gì mình thấy trên màn hình.
Ông RFS vẽ lại những gì mình thấy trên màn hình.

Sau nhiều năm làm việc với bộ não kỳ lạ của RFS, giáo sư McCloskey và đội ngũ nghiên cứu chỉ ra rằng bộ não có thể tự động xử lý thông tin mà chúng ta không hay biết. Thông qua hệ thống điện não đồ, họ đo đạc hoạt động não bộ của RFS khi ông quan sát các số loằng ngoằng kia, khi ông nhìn các khuôn mặt và những từ ngữ quen thuộc. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra những điểm đáng chú ý: những phần não bộ sáng lên khi ông RFS nhìn vào những sự vật khác nhau.

Ông chẳng hay biết mình đang nhìn vào từ ngữ gì hay bộ mặt gì. Thế nhưng, có vẻ như não bộ ông không chỉ biết mắt đang nhìn thứ gì đó, mà nó còn tiến hành những phân tích phức tạp về thứ đặt trước mặt ông”, David Rothlein, đồng tác giả nghiên cứu nhận định. “[Việc nhận thức được vật thể] vốn được cho là diễn ra tự nhiên. Nhưng nghiên cứu chỉ cho thấy một quá trình cực kỳ phức tạp - được chúng tôi gọi là nhận thức cấp cao - diễn ra mà chủ thể không hề hay biết mình đang nhìn cái gì”.

Nói một cách khác, ít nhất có một bước chưa rõ xuất hiện khi não bộ xác định một khái niệm phức tạp như số, xuất hiện giữa lúc thông tin được truyền vào nhận thức của ta để xử lý. Nhiều khả năng, những thông tin phức tạp này được truyền tới một khu vực cấp cao của não bộ trước khi được nhận thức xử lý, và nhiều khả năng thông tin phải chạy tới lui giữa hai nơi này để não hiểu được vấn đề. Đây cũng là giả thuyết nhiều nhà khoa học từng nêu ra.

Dù không rõ quá trình này ra sao, nhưng rõ ràng việc ông RFS nhìn nhận sự vật gặp vấn đề; tính tới giờ, ông RFS là người duy nhất mắc chứng bệnh kỳ lạ này. Sau nhiều năm trời nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học cũng tìm ra được cách giúp ông RFS: họ tạo ra một hệ thống số học riêng cho ông, cho phép RFS sống bình thường, thậm chí làm việc được cho tới khi ông quyết định nghỉ hưu vào năm 2014. Hiện tại, bệnh tật đã khiến ông RFS yếu hơn nhiều, tuy nhiên ông vẫn còn phần lớn khả năng nhận thức.

Hệ thống số cho phép ông RFS làm việc bình thường.
Hệ thống số cho phép ông RFS làm việc bình thường.

Nỗ lực nghiên cứu 8 năm trời của nhóm nghiên cứu có thể giúp ta có được thông tin trọng yếu về cách thức hoạt động của não bộ. “Những trường hợp hy hữu như thế này làm sáng tỏ cách thức hoạt động của não bộ, theo cách mà không phương pháp nào khác thỏa mãn được”, giáo sư Rothlein cho hay.

Cập nhật: 24/06/2020 Theo Trí Thức Trẻ
  • 794