13/11/1947 - Liên Xô hoàn tất công đoạn phát triển súng trường tấn công AK-47

  •  
  • 4.579

Theo một thống kê không chính thức, cứ 5 vũ khí cá nhân có mặt trên thế giới thì 1 trong số đó là AK-47.

13/11/1947 - Súng trường tấn công AK-47 được hoàn thiện

Súng trường tấn công AK-47 là vũ khí cá nhân thông dụng nhất trong thế kỷ 20. Cho đến thời điểm đầu thế kỷ 21, dù đã có 70 năm tuổi thọ song AK-47 và các phiên bản của nó là thứ vũ khí được ưa chuộng nhất, được lựa chọn là vũ khí tiêu chuẩn bởi trên 50 quân đội, ngoài ra nó còn phục vụ rất nhiều các lực lượng vũ trang, du kích khác tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Chi phí thấp, độ tin cậy, và hiệu quả rất cao trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt của loại súng này làm cho nó trở thành loại vũ khí cá nhân thông dụng nhất thế giới. Tầm bắn hiệu quả nhất của nó trong khoảng 400m, chuyên dùng để tác chiến tầm ngắn và tầm trung.

13/11/1947 - Liên Xô hoàn tất công đoạn phát triển súng trường tấn công AK-47

Với những ảnh hưởng của mình, AK-47 đã được gọi là một biểu tượng trong quân sự, một thứ vũ khí làm thay đổi bộ mặt chiến tranh. Hiện tại AK-47 đang là vũ khí cá nhân tiêu chuẩn cho quân đội của hơn 60 quốc gia trên thế giới. Rất nhiều quốc gia khác nữa sử dụng AK-47 cho các lực lượng cảnh sát, biên phòng. AK-47 còn là lựa chọn của các lực lượng nổi dậy và tội phạm trên khắp thế giới do độ bền cao và giá thành rẻ. Tất cả bắt đầu vào ngày 13/11/947, khi Liên Xô hoàn tất công đoạn thiết kế khẩu súng huyền thoại này trước khi đưa vào sử dụng đại trà vào năm 1949.


AK-47, phổ biến từ đời thực đến game.

Súng trường tấn công AK-47 được đánh giá là một sáng chế cần thiết của dành cho chiến trường lúc đó khi mà sự phát triển về chiến thuật bộ binh đã thay đổi rất nhiều kể từ khi những khẩu súng hỏa mai xuất hiện cách đó khoảng 1 đến 2 thế kỷ. Từ chiến thuật dàn hàng ngang bắn phát một rồi nạp đạn đến chiến thuật hầm hào tận dụng ưu thế của súng máy, hàng rào thép gai và lô cốt trong chiến tranh thế giới thứ nhất; sang giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai là chiến thuật bộ binh theo nhóm 5 đến 6 người có sự hỗ trợ của thiết giáp, không quân và pháo binh.
Càng về sau, ưu thế về tốc độ bắn của vũ khí ngày càng được coi trọng vì vậy bên cạnh những dòng súng trường bắn phát một (bolt-action) truyền thống như M1903 Springfield, Lee Enfield, Mauser Kar98k và Mosint Nagant thì những mẫu súng trường bắn liên tục với băng đạn cỡ nhỏ như M1 Garand, M1 Carbine, Gewehr 43 và SKS-40 cũng dần khẳng định được vị thế của mình. Nhưng tốc độ bắn của chúng vẫn chưa là gì so với những tiểu liên như M1A1 Thompson, MP-40, Sten hay PPSH-41; lúc đó các chuyên gia về vũ khí đã nảy ra ý tưởng kết hợp tốc độ bắn của súng tiểu liên và sức mạnh của súng trường thành một loại vũ khí mới được gọi là súng trường tấn công với người đi tiên phong là StG-44.

13/11/1947 - Liên Xô hoàn tất công đoạn phát triển súng trường tấn công AK-47
Súng trường StG-44 của Đức.

Nguồn gốc của AK-47 được truy ngược về thời điểm cuối của chiến tranh thế giới thứ hai, người Đức phát triển mẫu súng StG-44 (Sturmgewehr 44), dựa vào nghiên cứu cho thấy đa số cuộc đấu súng xảy ra ở cự ly gần, trong vòng 300m. Uy lực của loại súng trường (dạng bolt-action) lúc đó là quá mạnh (tầm hiệu quả là 800m) nhưng khi mật độ hỏa lực lại quá thưa cho đa số cuộc đấu súng ở cự ly gần. Kết luận của các nhà quân sự Đức là cần sáng chế một loại súng kết hợp giữa súng trường và súng tiểu liên có các tính năng cơ bản như hộp đạn có sức chứa lớn, hỏa lực dày và chính xác với tầm bắn trung bình có hiệu quả đạt đến 300m. Để giảm chi phí chế tạo, loại súng tiểu liên Mauser MP-40 được cải tiến, không dùng đạn 9x19mm nữa mà chuyển sang dùng loại đạn 7,92x33 mm là loại đạn có liều thuốc phóng lớn hơn. Mặc dù có khá nhiều nhược điểm như tầm bắn hiệu quả vào khoảng 300m (chỉ nhỉnh hơn các loại tiểu liên 1 chút), súng không có chế độ bắn phát một, không có ốp lót tay nhưng StG-44 vẫn được đánh là giá "kẻ" mở ra một thời đại mới cho kỹ thuật chiến đấu của người lính.

Cha đẻ của AK-47, Mikhail Kalashnikov, đã tận dụng những đặc tính ưu việt của StG-44 và kết hợp với đạn súng trường thực thụ có sức công phá lớn lúc đó là 7,62x41mm (về sau mới chuyển thành đạn 7,62x39mm như hiện nay) để tạo ra một khẩu súng tham gia cuộc thi thiết kế một loại vũ khí cá nhân mới với yêu cầu là đáng tin cậy trong môi trường lầy lội, ẩm ướt và giá lạnh của Liên Xô. Đó là một khẩu súng trường hoạt động dựa trên nguyên tắc trích khí ngang, mở khóa nòng để nạp đạn cùng với một hộp đạn cong chứa 30 viên. Các mẫu súng của ông (ký hiệu AK-1 và AK-2) đã tỏ ra đáng tin cậy và vượt lên mẫu của các đối thủ khác.

13/11/1947 - Liên Xô hoàn tất công đoạn phát triển súng trường tấn công AK-47
Ak-47 và "cha đẻ" Mikhail Kalashnikov.

Cuối năm 1946, khi các khẩu súng bắt đầu được thử nghiệm thì lúc đầu những người lính nhận khẩu AK một cách miễn cưỡng. Họ đã quen đối phó với đối thủ bằng khẩu súng trường thông dụng lúc đó như Mosint Nagant. Tuy nhiên, cuối cùng thì trợ lý của Kalashnikov là Aleksandr Zaytsev đã thuyết phục được họ, kết quả là khẩu súng mới đã để lại rất nhiều lỗ thủng trên bia tập bắn và vượt qua cuộc bắn kiểm tra tại trường bắn thử nghiệm. Cũng từ đây, súng trường Kalashinkov mẫu 1947 đã chứng tỏ được sự đáng tin cậy, tính đơn giản của nó và bắt đầu được trang bị cho quân đội Liên Xô từ năm 1949 với cái tên Súng trường tự động Kalashnikov, gọi tắt là AK cỡ nòng 7,62 mm. Mặc dù Kalashnikov đã phủ nhận rằng AK-47 dựa trên khẩu StG 44 của người Đức, nhưng người ta vẫn cho rằng AK-47 đã chịu nhiều ảnh hưởng từ thiết kế của StG-44.

Ưu điểm chính của AK-47 chính là thiết kế đơn giản, kích thước nhỏ gọn và dễ sản xuất đại trà. Khẩu súng có chi phí sản xuất thấp, dễ lau chùi và bảo trì; đồng thời độ bền và độ tin cậy cao của nó đã trở thành huyền thoại. Thực tế có thấy độ chính xác của AK-47 không đáng tin cậy như những mẫu súng trường trước đó, mặc dù vậy với một băng đạn 30 viên thì người lính có cơ hội với 29 viên còn lại nếu viên đầu tiên không trúng đích. Đây là ảnh hưởng của học thuyết bộ binh Liên Xô trong thời gian đó, khi những súng trường được hiểu là một phần của sự tập trung hỏa lực bộ binh tầm gần chứ không phải độ chính xác đối với tầm xa. Tuổi thọ của khẩu AK-47 dao động từ 20 đến 40 năm tùy theo môi trường sử dụng vào bảo trì.


AK-47 hoạt động như thế nào?

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các quốc gia Liên Xô, CHND Trung Hoa, Hoa Kỳ đã cung cấp và viện trợ hàng loạt vũ khí cũng như các công nghệ quân sự cho các tổ chức và quốc gia đồng minh với mình. Lúc đó, các loại súng sử dụng trong quân đội Hoa Kỳ như M14, M16 rất đắt tiền, vì vậy Hoa Kỳ chủ yếu viện trợ các vũ khí dư thừa thuộc thế hệ cũ hơn cho các đồng minh. Trong khi đó, chi phí sản xuất thấp của súng AK khiến cho Liên Xô có thể chế tạo vũ khí này với số lượng rất lớn và cung cấp cho các đồng minh của họ thay cho các vũ khí thừa thế hệ cũ. Kết quả là trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khẩu AK được Liên Xô và CHND Trung Hoa xuất khẩu với số lượng lớn (thậm chí là cho không) đến các quốc gia và tổ chức đồng minh của họ, ví dụ như Quân Giải phóng miền Nam ở Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Sandinista ở Nicaragua. Các khẩu súng AK đã có mặt trong quân đội của hơn 60 quốc gia và hàng trăm tổ chức bán quân sự khác.

Ngay cả khi chiến tranh lạnh kết thúc, AK-47 vẫn là loại súng phổ biến nhất thế giới, được rất nhiều lực lượng quân đội, các lực lượng vũ trang của trên thế giới cho đến các tổ chức tội phạm, tổ chức khủng bố sử dụng vì tính năng độ tin cậy rất cao trong điều kiện chiến đấu không tiêu chuẩn. Thậm chí, khi vớt khỏi bùn, chỉ cần tháo ra, dùng nước rửa sạch các bộ phận, lắp ráp lại là có thể bắn được. Các nguyên vật liệu để chế tạo súng tương đối phổ cập, chủ yếu là thép và gỗ. Trong điều kiện công nghệ phát triển không cao nhưng nhiều nước đang phát triển và cả một số nước kém phát triển cũng đã chế tạo được khẩu súng này với giá thành khá rẻ.

13/11/1947 - Liên Xô hoàn tất công đoạn phát triển súng trường tấn công AK-47
Ak-47 dễ sử dụng đến mức phụ nữ cũng có thể thành thạo việc lắp ráp, bảo dưỡng súng.

Theo số liệu của nhà kinh tế Phillip Killicoat, Đại học Oxford, Anh, giá trung bình của một khẩu AK-47 bán vào năm 2005 là 534 USD. Trong khi đó, riêng ở châu Phi, súng AK-47 được bán với giá rẻ hơn khoảng 200 USD (chỉ bằng 1/8 so với giá của 1 khẩu M-16), các khẩu AK sản xuất lậu có thể còn rẻ hơn nữa. Do cấu tạo không quá phức tạp, dễ tháo lắp, chỉ cần một số dụng cụ cơ khí đơn giản nên xạ thủ có thể bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ dễ dàng. Các bộ phận phụ: ốp che tay, báng, tay nắm bóp cò đều làm bằng gỗ nên rất dễ tự chế tạo theo mẫu. Tính đến giữa năm 2012, thì nhu cầu về súng AK-47 trên thị trường thế giới vẫn rất lớn với hơn 100 triệu khẩu đã được chế tạo trên khắp thế giới. Ngay cả dân chúng Hoa Kỳ cũng đổ xô đi mua AK-47 với số lượng tương đương số lượng mà lực lượng quân đội và cảnh sát Nga sở hữu và được đánh giá là "Chất lượng và tính linh hoạt vượt xa bất cứ thứ gì khác trên thị trường". Theo một thống kê không chính thức, cứ 5 vũ khí cá nhân có mặt trên thế giới thì 1 trong số đó là AK-47.

Sự phổ biến của AK-47 không chỉ được thể hiện ở mặt doanh số sản xuất và doanh số bán ra của nó. Danh tiếng của AK-47 trong các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự và các hoạt động bạo lực đã làm cho hình ảnh của nó in sâu vào tiềm thức con người và trở thành một biểu tượng cho tinh thần chiến đấu. Thậm chí, biểu tượng của một số quốc gia và một số tổ chức cũng sử dụng hình dạng của khẩu AK-47 như một yếu tố hình tượng bên cạnh các yếu tố hình tượng khác. Hình ảnh của khẩu AK đã xuất hiện trong cờ và quốc huy Mozambique, một sự thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia này giành được quyền lực phần nào nhờ vào việc sử dụng hiệu quả các khẩu AK-47. Nó cũng xuất hiện trên quốc huy Zimbabwe và Đông Timor, quốc huy của Burkina Faso những năm 1984-1997, cờ của tổ chức Hezbollah, và biểu trưng của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Theo genK.vn
  • 4.579