14 đối tác là các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã tham gia lễ ký kết
Bộ NN-PTNT, các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ hôm 15-5 đã cùng ký kết Bản ghi nhớ thành lập Quan hệ Đối tác Cấp nước và Vệ sinh Nông thôn, đồng thời thành lập Văn phòng điều phối trực thuộc Bộ NN-PTNT.
Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát và các đại sứ, trưởng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Nước sạch và Vệ sinh Khu vực Đông Á Thái Bình Dương, UNICEF Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á, đại sứ quán các nước Australia, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan... đã tham gia ký kết bản ghi nhớ này.
Quan hệ Đối tác Cấp nước và Vệ sinh Nông thôn sẽ đi vào hoạt động từ 5-2006, tập trung vào hỗ trợ hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin, nghiên cứu ở các cấp địa phương, quốc gia và vùng. Đồng thời, quan hệ đối tác cũng hỗ trợ thực hiện các sáng kiến ngành đã được thống nhất trong Khung chương trình đối tác cũng như thúc đẩy quá trình tiếp cận ngành thông qua quỹ ủy thác chung.
Ông Klaus Rohland, Giám đốc WB tại Việt Nam, nói rằng, mục tiêu của Quan hệ đối tác là góp phần xóa đói nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn và bảo vệ môi trường thông qua việc triển khai hiệu quả hơn Chiến lược Quốc gia về Cấp nước và Vệ sinh nông thôn, cũng như các chiến lược và chính sách liên quan khác của Chính phủ.
Quan hệ đối tác ra đời góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực trong ngành cấp nước và vệ sinh nông thôn thông qua việc xây dựng một cơ chế phối hợpp để điều phối và hài hòa hỗ trợ cho các chính sách chương trình môi trường quốc gia về cấp nước, vệ sinh nông thôn và các chương trình khác.
Theo bà Jesper Morch, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, hiện thế giới có trên 1 tỷ người không có nước sạch để dùng và 2,6 tỷ người không được sử dụng các chương trình vệ sinh. Còn tại Việt Nam, tài nguyên nước chỉ có hạn và hiện đang chịu một sức ép nghiêm trọng trước tình trạng ô nhiễm và sử dụng nước quá mức cho phép diễn ra tràn lan.
Đây là hậu quả tổng hợp của các yếu tố như sự bùng phát về dân số, các hoạt động kinh tế gia tăng và công tác quản lý chưa thoả đáng. Ngoài ra, mức chênh lệch về khả năng tiếp cận với nước giữa các tỉnh/thành đã trở nên rõ rệt hơn. Tỷ lệ hộ được tiếp cận với nước sạch ở khu vực thành thị là 78%, trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực nông thôn chỉ có 44%.
Thách thức hiện nay là hết sức to lớn khi Việt Nam đặt ra mục tiêu cung cấp 85% nhu cầu tổng thể về nước sạch vào năm 2010 và 100% vào năm 2020.