Các cách trồng hành lá siêu đơn giản tại nhà

  •   4,117
  • 208.172

Hành lá với vị cay hăng nhè nhẹ giúp chị em biến tấu cho món ăn gia đình thêm ngon. Vậy tại sao không thử trồng một chậu hành lá nho nhỏ tại nhà để đảm bảo sức khỏe người dùng?

Trồng hành tại nhà

Hành lá là một trong những cây gia vị được sử dụng thường xuyên trong các món ăn Việt. Toàn bộ cây từ gốc đến thân đều có mùi thảo mộc làm tăng độ ngon ngọt cho món ăn. Nếu mỗi ngày ba bữa đều sử dụng hành lá để ăn hay trang trí cho món ăn thì gia đình nên trồng hành lá tại nhà - vừa ngon mà lại sạch. Chỉ mất khoảng một tuần trồng hành từ rễ cây có sẵn và không tốn nhiều công chăm sóc. Có nhiều cách trồng hành lá khác nhau và bạn có thể chọn lựa phương pháp phù hợp với điều kiện của gia đình.

1. Trồng hành trong chai nhựa

Nếu gia đình bạn đông người và thường xuyên nấu ăn ngày 2 bữa thì đây là cách hợp lý nhất bạn nên thử. Chỉ mất khoảng một tuần và không tốn công chăm sóc, bạn sẽ có được một bình cây xanh tốt.

Trồng hành trong chai nhựa

Cách trồng rất đơn giản theo các bước sau đây:

Bước 1: Bạn chỉ cần chuẩn bị một chai nhựa to khoảng 5 lít hoặc chai 2 lít, kích cỡ và số lượng to nhỏ tùy theo nhu cầu của gia đình.

Chuẩn bị chai nhựa

Bước 2: Tiếp theo, hãy khoan các lỗ nhỏ quanh bình với khoảng cách đều nhau và chiều rộng vừa đủ sao cho các nhánh lá có thể chui qua. Để tiện hơn cho việc trồng hành, bạn có thể cắt phần đầu của bình để việc trồng trọt được dễ dàng.

Khoan các lỗ nhỏ quanh bình với khoảng cách đều nhau

Bước 3: Trước tiên, bạn đổ 1 lớp đất mùn mịn khoảng 5-7cm xuống đáy bình, xếp lần lượt các củ hành xung quanh. Bạn cần lưu ý xếp sao cho phần rễ hướng vào trong, ngọn hướng ra phía lỗ trống đã khoan trước đó để hành mọc lá.

Đổ mùn vào bình và xếp hành

Bước 4: Sau khi xếp xong lớp hành đầu tiên, bạn đổ đất phủ lên lớp củ hành rồi xếp lần lướt các lớp củ - đất như ban đầu cho tới khi đầy bình.

Bình có thể xếp được nhiều lớp hành, mỗi lớp cách nhau một lớp mùn

Lưu ý:

Nếu bình trồng hành đã được cắt phần nắp bình thì bạn có thể đặt hành trên khắp nền đất ở lớp trên cùng như trong hình.

Bạn nhớ tưới nước bằng cách phun sương đều đặn vào các lỗ trống và đặt bình cây ở gần cửa sổ có ánh sáng tự nhiên.

Sau 1 tuần, gia đình sẽ có được một vườn hành xinh xắn, tươi ngon, thuận tiện khi cần nấu các món ăn có hành.

Sau một tuần hành sẽ bắt đầu mọc lá

2. Trồng hành lá trong chậu đất, thùng xốp

Hành lá, hay còn gọi là hành hoa, là một trong số ít những loại cây có thể trồng tiếp cây mới từ phần rễ bỏ đi. Hành lá có thể trồng quang năm, trong đó mùa nắng cho nắng suất cao hơn mùa mưa.

Chuẩn bị:

  • Đất: đất nhiều mùn, thoát nước tốt
  • Hành lá
  • Chậu, thùng xốp trồng có lỗ thoát nước.

Trồng hành trong chậu

Thực hiện:

Do hành lá trồng bằng gốc, nên người trồng cần chọn cây già, gốc to, lá cứng và không bị nhiễm sâu bệnh để trồng.

Trồng thành nhiều hàng, mỗi hàng cách nhau khoảng 20 cm, mỗi hốc trồng khoảng 2 tép. Chỉ nên cấy gốc hành xuống với độ sâu vừa phải – khoảng 3 cm, để giúp cho cây hành phát triển nhanh và mau nở bụi .

Hàng ngày tưới nước đủ ẩm cho cây và làm cỏ kịp thời để không ăn hết chất dinh dưỡng của hành.

Sau 30 - 40 ngày, cắt lá ăn dần và tiếp tục tưới nước, bón phân cho chậu cây.

3. Trồng hành lá trong nước

Trồng hành lá trong nước rất đơn giản khi không cần đất, cũng chẳng cần phân bón, bạn chỉ cần bỏ chút công sức thay nước. Bất cứ chai lọ thấp, miệng hẹp nào cũng phù hợp để trồng hành lá tại nhà.

Chuẩn bị: Cây hành lá với thân xanh và gốc trắng dài từ 2-7cm, dao, chai lọ nhựa/ thủy tinh, nước

Cách trồng:

  • Cắt phần lá xanh của hành để nấu ăn như bình thường và giữ lại phần gốc màu trắng
  • Rửa sạch chai đựng nước.
  • Cho phần gốc hành vào trong nước,
  • Đổ nước vào trong lọ đựng sao cho mực nước đủ để ngập toàn bộ gốc rễ của hành lá
  • Đặt bình ở nơi có nhiều ánh sáng nhưng không trực tiếp dưới nắng, thay nước hai ngày một lần.
  • Khoảng 7 ngày sau, hành lá sẽ bắt đầu ra chồi, chuẩn bị mọc thành ngọn xanh.
  • Sau 14 ngày, thân hành mới sẽ mọc lên cao vút, sẵn sàng cho thu hoạch.
  • Bạn cắt phần lá phía trên để dùng và tiếp tục nuôi phần rễ phía dưới để luôn có hành liên tục
  • Sau ba lần cắt lá, bạn nên bổ sung thêm một chút phân hữu cơ hòa tan vào nước

4. Dùng lõi giấy vệ sinh

Trồng hành bằng lõi giấy vệ sinh
Tận dụng ngay lõi giấy vệ sinh để trồng hành lá nhé! - (Ảnh: Internet).

Chuẩn bị sẵn 8 – 10 lõi giấy vệ sinh rồi đổ đất mùn vào bên trong. Hành lá sau khi sử dụng phần ngọn, bạn giữ lại phần rễ khoảng 5cm để trồng cây mới.

Cắm ngập phần rễ hành lá đã chuẩn bị vào đất trong lõi giấy. Tưới một ít nước cho đất đủ ẩm và đặt ở nơi có đủ ánh sáng như bệ cửa sổ, ban công…

Chỉ trong vài ngày, hành lá sẽ bắt đầu mọc mầm và phát triển thành cây mới. Khi thu hoạch, cắt phần ngọn và để lại phần gốc, cây sẽ tiếp tục phát triển, cứ như vậy bạn sẽ có hành lá ăn quanh năm không hết.

5. Trồng hành lá trong khay giấy đựng trứng

Cách trồng này vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị 5 khay giấy đựng trứng và củ hành khô không bị hỏng hay mốc.

Trước tiên, xếp 5 khay đựng trứng khít lên nhau, ở mỗi ô nhỏ của khay đục một lỗ nhỏ để nước có thể ngấm đều các khay. Sau khi xếp xong, đặt vào mỗi ô một củ hành khô sao cho đặt phần gốc hành xuống dưới, phần ngọn mầm hướng lên trên.

   Đặt những khay trứng này ở nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào

Đặt những khay trứng này ở nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Nhớ tưới nước giữ ẩm cho toàn bộ khay trứng đã đặt hành, nước ngấm vào các miếng giấy sẽ tạo môi trường ẩm để hành ra rễ và phát triển.

Sau một thời gian ngắn, bạn sẽ có cả khay hành tươi tốt ăn mãi không hết

Sau một thời gian ngắn, bạn sẽ có cả khay hành tươi tốt ăn mãi không hết. Lưu ý, nếu muốn sạch sẽ hơn, bạn có thể lót dưới các khay trứng tấm nhựa hoặc xốp để nước khi tưới không tràn ra ngoài.

6. Trồng hành lá trong... thân cây chuối

Nghe có vẻ... hài hước nhưng đây là kiểu trồng "tầm gửi" đã được nhiều chị em áp dụng thành công mà không cần bất cứ dụng cụ trồng nào, chỉ cần "gửi nhờ" vài củ hành vào thân cây chuối trong vườn.


Ảnh: Facebook T.V.X.

Chỉ sau 20 - 25 ngày bỏ củ hành vào phần thân chuối đã khoét lỗ (chú ý quay phần gốc của củ vào sát thân chuối, cắt nhẹ đầu củ hành) và không cần tưới và chăm sóc gì là hành sẽ lên lá và được thu hoạch.


Ảnh: Facebook T.V.X

Thành phần dinh dưỡng trong hành lá

Thành phần chính có trong hành lá là nước. Một chén hành lá chỉ chứa 32 calo, chứa ít chất béo và không có cholesterol. Nó cũng chứa ít đường và ít carbs hơn các loại rau khác như cà rốt, khoai tây và ngô.

Thành phần dinh dưỡng có trong 1 chén hành lá gồm có:

  • Hàm lượng vitamin K gấp hai lần khuyến cáo hàng ngày cho người lớn, giúp đông máu và giữ cho xương chắc khỏe.
  • Cung cấp 25% nhu cầu vitamin C hàng ngày, là một chất chống oxy hóa giúp hạn chế tổn thương các tế bào lành mạnh trong cơ thể.
  • Cung cấp khoảng 16% nhu cầu folate hàng ngày, loại vitamin có trong cấu trúc của các các sợi ADN và đặc biệt quan trọng với phụ nữ mang thai.

Lợi ích của hành lá

  • Hỗ trợ tiêu hóa: Hành lá giàu chất xơ giúp tiêu hóa tốt hơn. Bạn nên ăn hành lá thường xuyên, có thể nấu chín hoăc thêm vào salad.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Hành lá giàu vitamin C và vitamin A, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.
  • Kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa tiểu đường: Hợp chất lưu huỳnh có trong hành lá giúp giảm lượng đường trong máu do đó ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
  • Ngăn ngừa cảm lạnh: Hành lá có tính kháng khuẩn và kháng virus, giúp chống lại các bệnh viêm nhiễm do virus như cảm lạnh và giúp loại bỏ các dịch nhày.
  • Chống ung thư: Hành lá giàu flavonoid và hợp chất allyl sulfide giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư, do đó giúp chống lại bệnh ung thư.
  • Tốt cho mắt: Hành lá giàu vitamin A và carotenoid giữ cho mắt luôn khỏe mạnh, ngăn ngừa mất thị lực.
  • Tốt cho tim: Hành lá giàu vitamin C và các chất chống ôxy hóa giúp chống lại các gốc tự do và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Giúp cho xương chắc khỏe: Hành lá giàu vitamin C, vitamin K và một số chất dinh dưỡng thiết yếu khác, giúp cho xương chắc khỏe. Bạn nên ăn hành lá thường xuyên.
  • Ngăn ngừa nhiễm trùng: Chiết xuất hành, tỏi và các loại cây họ Hành khác, từ lâu đã được sử dụng làm thuốc. Chúng có thể tiêu diệt vi khuẩn, nấm và virus. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trên một số giống hành tây cho thấy ở nồng độ đủ cao, một số có thể giết chết hoặc làm chậm sự phát triển của vi khuẩn salmonella và E. coli.
  • Cung cấp dồi dào chất xơ: Hành lá giúp cung cấp khoảng 10% lượng chất xơ hàng này giúp tăng cảm giác no, giảm mức cholesterol, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch và các bệnh lý khác.

Video hướng dẫn cách trồng hành lá tại nhà:

Cập nhật: 25/08/2021 Tổng hợp
  • 4,117
  • 208.172