9 ngôn ngữ lập trình “xưa nhưng không cũ”

  •  
  • 2.867

ALGOL, ADA, PASCAL hay LOGO đều là các ngôn ngữ lập trình có tuổi đời trên 30 năm nhưng vẫn còn có giá trị thực tiễn.

Điểm danh những ngôn ngữ lập trình “xưa nhưng không cũ”

Các ngôn ngữ lập trình cuối cùng có thể lỗi thời nhưng hiếm khi bị tận diệt. Dù thời hoàng kim đã qua, chúng vẫn sống nhởn nhơ vì phù hợp với thị trường ngách hơn bất kỳ bản thay thế thời thượng nào khác. Với các lập trình viên đang làm việc với chương trình cũ, nuôi dưỡng “quái vật” là sự lựa chọn tốt hơn hẳn so với phải viết lại mọi thứ. Dưới đây là 9 ngôn ngữ lập trình ra đời đã lâu song vẫn được sử dụng ngày nay:

1. ALGOL (1958)

ALGOL là viết tắt của “Algorithmic Language” (thuật toán Algorit), do một nhóm các nhà khoa học máy tính của châu Âu và Mỹ phát minh.

Thời kỳ đỉnh cao: 1958 - 1968

Mục đích sử dụng chính: Chủ yếu là tính toán khoa học. ALGOL là nỗ lực đầu tiên trong việc viết một ngôn ngữ có thể vượt lên nền tảng của nó và được dùng trên nhiều cỗ máy khác nhau. Nó phù hợp với môi trường thí nghiệm hơn là các sản phẩm thương mại vì không có giao thức đầu vào – đầu ra nào cả.

Ngày nay, ALGOL được dùng rất ít nhưng DNA của nó có mặt trong nhiều ngôn ngữ phổ biến.

9 ngôn ngữ lập trình “xưa nhưng không cũ”
Ảnh minh họa

2. COBOL (1959)

COBOL là viết tắt của “Common Business-Oriented Language” (ngôn ngữ hướng đến kinh doanh), do một hội đồng lớn bao gồm nhà khoa học máy tính tiên phong Grace Hopper, người đã phát minh ra thuật ngữ “bug” (bọ), khai sinh.

Thời kỳ đỉnh cao: từ những năm 1960 đến những năm 1980

Mục đích sử dụng chính: Các hệ thống lớn như kế toán, sổ sách, bảo hiểm.

Hiện tại, nó vẫn được giảng dạy tại trường học nhờ di sản trong các doanh nghiệp lớn và chính phủ. Năm 2000, các tổ chức tài chính lớn buộc phải gọi lập trình viên COBOL quay trở lại để đào bới các đoạn mã cũ và viết lại quanh sự cố Y2K. Vài năm sau, tạp chí Computerworld đưa tin những lập trình viên trẻ hiểu biết ngôn ngữ này được nhận mức lương rất cao, trong khi một số người khác được khuyên nên học nó để duy trì các mã cũ.

3. PL/I (1964)

PL/I là viết tắt của “Programming Language One”, do một hội đồng của IBM phát minh.

Thời kỳ đỉnh cao: đầu những năm 1970

Mục đích sử dụng chính: Là ngôn ngữ chung cho IBM System/360, được triển khai trong mọi hoạt động từ sổ sách kế toán đến vật lý thiên văn. PL/I ra đời với mục tiêu bổ trợ cho COBOL, FORTRAN và các ngôn ngữ khác, được sử dụng rộng rãi tại Liên bang Xô Viết hơn là phương Tây.

PL/I bị đánh giá là quá rắc rối, tốn tài nguyên và người dùng bị mắc kẹt trong sản phẩm độc quyền của IBM. Tuy nhiên, nhờ vị trí thống trị của IBM trong quá khứ, nhiều chương trình viết bằng PL/I vẫn đang còn hiện diện và mới nhân được bản cập nhật vài tuần trước để tương thích với mã Web mới hơn.

4. PASCAL (1968)

Viết tắt của “Mathemmatician Blaise Pascal”, do Niklaus Wirth sáng lập.

Thời kỳ đỉnh cao: những năm 1980

Mục đích sử dụng chính: Được xem là “con cháu” nổi tiếng nhất của ALGOL, PASCAL được dùng chủ yếu cho giảng dạy và phát triển phần mềm trong các máy tính đầu tiên của Apple. Phiên bản Turbo Pascal năm 1983 cũng rất được ưa chuộng.

Ngày nay, ngôn ngữ này vẫn được dùng khi dạy lập trình nhưng không thường xuyên như 30 năm trước.

5. LISP (1958)

LISP là viết tắt của “List Processing”, do John McCarthy phát minh.

Thời kỳ đỉnh cao: những năm 1960

Mục đích sử dụng chính: trí thông minh nhân tạo, hệ thống phòng không, cờ bạc trên máy tính

Ngày nay, LISP vẫn là một trong các ngôn ngữ thống trị trong các công trình trí thông minh nhân tạo.

6. APL (1962)

Là viết tắt của “A Programming Language”, do Ken Iverson phát minh.

Thời kỳ đỉnh cao: những năm 1960

Mục đích sử dụng chính: chủ yếu là toán học ứng dụng. Nổi tiếng vì sự đặc biệt đơn giản và cú pháp rõ ràng. Nhược đểm là cần các ký tự Hy Lạp, ký hiệu tối nghĩa, bàn phím đặc biệt. Đọc từ phải qua trái.

Hiện tại, APL không còn được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn xuất hiện trong một số thị trường ngách như xác minh DNA, lý thuyết kế toán.

7. FORTRAN (1957)

Là viết tắt của “Formula Translator”, do John Backus phát minh cho IBM.

Thời kỳ đỉnh cao: những năm 1960 và 1970

Mục đích sử dụng chính: Là ngôn ngữ cao cấp đầu tiên cho phép viết mã bằng tiếng Anh và sau đó được dịch qua một trình biên dịch để tạo ra phiên bản mà máy tính có thể chạy nhanh chóng. Được dùng chủ yếu cho các nhiệm vụ nặng tính khoa học.

Hiện tại, FORTRAN vẫn được các nhà vật lý và kỹ sư dùng tương đối rộng rãi.

8. LOGO (1967)

Là viết tắt của “logos” trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “từ” hoặc “ý nghĩ”, do Seymour Papert, Wally Feurzeig và một nhóm tại Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo MIT phát minh.

Thời kỳ đỉnh cao: những năm 1970 và 1980

Mục đích sử dụng chính: LOGO được phát triển để dạy trẻ nhỏ cách lập trình. Nó hiển thị con trỏ có tên “turtle”, phản ứng lại các lệnh trên màn hình. Ngày nay, nó vẫn được sử dụng rộng rãi.

9. ADA (1980)

Nhà phát minh: Jean Ichbiah

Thời kỳ đỉnh cao: những năm 1980

Mục đích sử dụng chính: kiểm soát không lưu và quân sự

Ngày nay, ADA vẫn là “trái tim” của kiểm soát không lưu và chắc chắn vẫn có chỗ đứng trong tương lai gần nhờ sự mạnh mẽ độc nhất vô nhị.

Theo ICTNews
  • 2.867