Ẩm thực phân tử là gì?

  •  
  • 650

Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của các nền ẩm thực hiện nay, ẩm thực phân tử đã không còn mấy xa lạ với giới đầu bếp và cả thực khách bốn phương. Mặc dù chưa phổ biến nhưng có thể nói, bất cứ ai biết đến các món ăn ẩm thực phân tử đều không khỏi ấn tượng và yêu thích vì hình thức độc đáo, lạ mắt, đẹp như một tuyệt phẩm và mang lại những trải nghiệm vô cùng táo bạo cho vị giác.

Như thế nào là ẩm thực phân tử?

Ẩm thực phân tử là sự kết hợp các phản ứng vật lý, hóa học trong nấu ăn nhằm biến đổi hương vị và cấu trúc món ăn nhờ các phương pháp khoa học và ứng dụng máy móc thiết bị công nghệ. Khi đó, nguyên liệu, hương liệu truyền thống sẽ được biến đổi ở cấp độ phân tử nên mất đi cấu trúc ban đầu và chuyển thành một dạng thức mới có hương vị khác biệt, được nâng cấp hình thức và đem lại trải nghiệm ẩm thực phá cách, đầy mới lạ và mang tính đương đại cao.

 Ẩm thực phân tử mang màu sắc nghiên cứu, sáng tạo và mới lạ.
Ẩm thực phân tử mang màu sắc nghiên cứu, sáng tạo và mới lạ. (Ảnh: Internet)

Phương pháp ẩm thực phân tử càng về sau càng thu hút đặc biệt giới đầu bếp. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thực phẩm cùng với sự sáng tạo của các đầu bếp dựa trên nền tảng ẩm thực phân tử, nhiều trào lưu ẩm thực được hình thành và khá nổi tiếng như: Spherification, Gelification, Emulsification & infusion, Molecular mixology…

Nguồn gốc ra đời của ẩm thực phân tử

Thuật ngữ “ẩm thực phân tử và vật lý” được nhắc đến đầu tiên vào năm 1988 bởi nhà vật lý Hungary Nicholas Kurti và nhà hóa học vật lý Pháp Hervé. Năm 1992, thuật ngữ này đã trở thành tiêu đề cho một tập hợp các hội thảo được tổ chức tại Erice nước Ý.

Các nhà khoa học và các đầu bếp chuyên nghiệp đã thảo luận về khoa học trong nấu nướng truyền thống. Cuối cùng, họ thống nhất rút ngắn thuật ngữ ban đầu thành “Ẩm thực phân tử”. Và Kruti cùng Herve từ đó được xem là những nhà nghiên cứu tiên phong cho trào lưu ẩm thực độc đáo này.

Còn riêng Ferran Adria – đầu bếp ba sao Michelin lại được xem là người tiên phong ứng dụng ẩm thực phân tử trong nấu ăn. Nhà hàng el Bulli của ông 5 lần được bình chọn là Nhà hàng tốt nhất thế giới từ năm 2002 và liên tục nhận được hàng triệu lượt đặt chỗ. Hiện nay elBulli đã trở thành một trung tâm chuyên nghiên cứu ẩm thực phân tử.

Ẩm thực phân tử có an toàn không?

Một blogger về ẩm thực tên Rain lần đầu tiên nhìn thấy ẩm thực phân tử đã từng thốt lên: “Tôi có thể ăn nó không? Nó có an toàn không?”

Rõ ràng, các món ăn ẩm thực phân tử luôn có kết cấu, hình dạng, màu sắc và hương vị rất khác biệt, táo bạo và không phải thực khách nào cũng yên tâm khi thưởng thức chúng vì họ không thể biết được món ăn đó có những thành phần gì. Tuy nhiên, các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu ẩm thực đã làm dịu lo lắng đó bằng các kết quả nghiên cứu ẩm thực phân tử không gây ra tác hại cho sức khỏe con người.

Thực khách thường khó nắm được thành phần của các món ăn ẩm thực phân tử.
Thực khách thường khó nắm được thành phần của các món ăn ẩm thực phân tử. (Ảnh: Internet)

Nếu các món ẩm thực phân tử có sử dụng hóa chất thì chỉ với định lượng rất nhỏ nằm trong giới hạn được phép sử dụng. Đôi khi có những thực khách cảm thấy sợ hãi khi thưởng thức ẩm thực phân tử chỉ vì họ bị tác động bởi những dụng cụ đựng hay trang trí bên ngoài như: khói, bồn tắm LED nhấp nháy, ống tiêm, máy chưng cất lớn, đồng hồ đo PH hay các kệ hóa chất thực phẩm…

Về cơ bản, các nguyên liệu được sử dụng trong ẩm thực phân tử cũng không có gì khác biệt so với các món ăn thông thường như: thịt động vật, cá, muối, thực vật hoặc vi sinh vật… Tiêu chuẩn thực phẩm Australia cũng đã khẳng định “các chất phụ gia được sử dụng trong ẩm thực phân tử là an toàn”.

Các nguyên liệu được sử dụng trong ẩm thực phân tử cũng cũng như các món ăn thông thường.
Các nguyên liệu được sử dụng trong ẩm thực phân tử cũng cũng như các món ăn thông thường.

Hơn hết, ẩm thực phân tử là một địa hạt đòi hỏi trình độ cao bởi ngoài việc cần đến sự hỗ trợ của công nghệ, phương pháp này còn yêu cầu người đầu bếp phải am hiểu khoa học, giàu kinh nghiệm, phải dày công nghiên cứu, có kiến thức và trình độ chuyên môn, kỹ năng ngành bếp để sáng tạo ra những món ăn đảm bảo cho sức khỏe.

Cập nhật: 31/08/2021 Theo cet.edu.vn
  • 650