Một năm mất hình tượng của gấu trúc Trung Quốc: Tại sao chúng cứ trát phân ngựa lên mặt?

Gấu trúc là một trong những loài động vật dễ thương nhất thế giới. Nhưng đây là năm 2020 và tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Foping miền trung Trung Quốc, những con gấu trúc đã bị lộ video khi đang ngồi trát phân ngựa lên mặt.

Dường như chúng không chỉ muốn chối bỏ đốm mắt của mình, những con gấu trúc còn xoa phân ngựa lên cổ, lên gáy và thậm chí lăn trong đống phân để phủ kín bộ lông trắng phau bằng một màu rêu đặc của cỏ tiêu hóa ra từ bụng ngựa.

Nhưng tại sao lũ gấu trúc lại hành xử một cách kỳ lạ như vậy? Các nhà khoa học cho biết họ đã có câu trả lời.


Hành động này của gấu trúc thường xảy ra trong khoảng tháng 11 đến tháng 4.

Camera "bắt quả tang" khi gấu trúc xoa phân ngựa lên người

Trong thế giới của các loài động vật, phân dường như giống với một chiếc thẻ nhận dạng. Nhiều sinh vật thường đánh hơi phân của đồng loại để đoán biết về giới tính và tiềm năng giao phối của chúng. Phát hiện phân của một động vật khác trong lãnh địa của mình cũng là dấu hiệu cho thấy một tình địch hoặc kẻ săn mồi đang ở gần.

Nhưng tất cả các kiến thức mà chúng ta biết về phân động vật không thể giải thích được tại sao gấu trúc hoang dã (Ailuropoda melanoleuca) lại bị thu hút bởi phân ngựa. Mặc dù đôi khi, những đàn ngựa hoang đi qua khu bảo tồn sẽ mang tới nguồn cung cấp phân bón cho nông dân địa phương, nhưng những con gấu trúc đơn độc không có bất kỳ tương tác nào với ngựa trong tự nhiên.

Để tìm hiểu lý do tại sao lũ gấu trúc lại bôi phân ngựa lên người mình, các nhà khoa học tại Viện Động vật học thuộc Học viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã đặt các bẫy camera hồng ngoại trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Foping. Từ đó, họ đã thu thập được 38 video quay cận cảnh lũ gấu trúc trát phân ngựa lên người, thậm chí lăn lộn trong đó.

Phân tích chỉ ra rằng hành động này thường xảy ra trong khoảng tháng 11 đến tháng 4, 95% số vụ gấu trúc tắm phân xảy ra trong những ngày có nhiệt độ thấp từ -5 đến 15oC. Khi nhiệt độ cao trên 20oC, không có một con gấu trúc nào trát phân lên người.

Các nhà khoa học cũng phát hiện những con gấu trúc thích phân ngựa tươi hơn phân khô, lý tưởng là những đống phân có "tuổi" dưới 10 ngày. Từ đó, họ đặt ra một giả thuyết: Phân ngựa tươi có khác gì phân ngựa khô mà lũ gấu lại thích xoa chúng trong những ngày lạnh giá?


Video ghi lại cảnh một con gấu trúc đang bôi phân ngựa lên khắp người.


Một con gấu trúc khác bị bắt quả tang khi đang lăn trong đống phân ngựa.

Tại sao gấu trúc lại làm vậy?

Zejun Zhang, một nhà sinh thái học đến từ Đại học China West Normal cho biết gấu trúc chống chọi với cái lạnh khác với các loài gấu khác. Chúng không ngủ đông, bởi chế độ ăn ít calo từ thực vật như tre trúc khiến chúng khó tích trữ chất béo.

Phân ngựa tươi hẳn phải có công dụng giữ ấm nào đó khiến lũ gấu trúc sử dụng chúng. Qua phân tích hóa học, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hàm lượng cao hơn của 2 chất hóa học đặc biệt trong phân ngựa tươi so với phân khô. Đó là beta-caryophyllene (BCP) và beta-caryophyllene oxide (BCPO).

Làm một thí nghiệm nhỏ, họ đã trộn BCP và BCPO vào một trong hai đống cỏ khô và cho vào bên trong chuồng gấu trúc ở vườn thú Bắc Kinh. Kết quả là những con gấu trúc ở đây cũng thích đống cỏ được bổ sung hóa chất hơn cỏ bình thường. Đôi khi, chúng cũng xoa cỏ chứa BCP và BCPO lên thân thể.

Nhưng liệu hai hóa chất này có giúp những con gấu giữ ấm thật sự hay không? Các nhà khoa học Trung Quốc đã phải thực hiện thêm một thí nghiệm để chứng minh điều đó. Tất nhiên, họ không thể đem những con gấu trúc khổng lồ vào phòng làm việc của mình, nên thí nghiệm đã được thực hiện trên chuột.

Họ chọn ra hai nhóm chuột, sau đó tắm một nhóm với dung dịch chứa BCP-BCPO pha loãng, trong khi nhóm chuột còn lại chỉ được tắm bằng nước muối. Những con chuột được đưa vào một môi trường có nhiệt độ thấp để kiểm tra khả năng chịu lạnh của chúng.

Kết quả cho thấy nhóm chuột được tắm bằng dung dịch BCP-BCPO pha loãng có khả năng chịu lạnh tốt hơn. Chúng vẫn hoạt động độc lập bình thường, trong khi nhóm chuột còn lại xúm xít lại với nhau vì lạnh. Những con chuột được tắm BCP-BCPO cũng ít bị cảm lạnh hơn nhóm chuột chỉ được tắm nước muối.

Để có được bằng chứng thuyết phục hơn nữa, nhóm nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã kiểm tra sự ảnh hưởng của BCP-BCPO trên cấp độ phân tử.

Họ nhận thấy trong các tế bào, BCP-BCPO có khả năng ngăn chặn các thụ thể cảm nhận cái lạnh ở gấu trúc. Tác dụng của nó trái với các tinh chất khác như bạc hà, thường kích hoạt cảm giác mát lạnh giống với khi bạn nhai kẹo cao su.


Trong môi trường 4 độ C, nhóm chuột bên trái (chỉ được tắm nước muối) phải tụ lại với nhau vì lạnh, trong khi nhóm chuột bên phải (được tắm BCP-BCPO) vẫn hoạt động bình thường

Gấu trúc Trung Quốc đã "giỏi hóa" từ khi nào vậy?

"Các nhà khoa học đã cung cấp bằng chứng xác đáng trên cấp độ phân tử để giải thích hành vi [lăn phân ngựa] hết sức độc đáo của loài gấu trúc", Fan Yang, nhà lý sinh tại Trường Y Đại học Chiết Giang cho biết. Nhưng những con gấu đã học được điều này từ khi nào?

Các tác giả nghiên cứu ước đoán nó phụ thuộc vào sự xuất hiện của loài ngựa trong khu vực. Khoảng 1.000 năm trước, khi người Trung Quốc mở các tuyến đường thương mại từ Vương quốc Thục (nay là tỉnh Tứ Xuyên) đến thủ phủ Trường An (ngày nay được gọi là Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây), họ đã sử dụng đến một lượng xe ngựa lớn.

Lũ gấu trúc có lẽ đã vô tình trở thành những nhà hóa học kể từ đó, khi chúng phát hiện ra khả năng chống lạnh tuyệt vời của những đống phân ngựa rải rác trong khu vực sinh sống của mình.

Nhưng nghiên cứu này còn có ý nghĩa gì ngoài việc giải thích và "bóc phốt" hành vi khó hiểu của gấu trúc?

Nhà sinh học thần kinh Elena Gracheva đến từ Đại học Yale cho biết: "Đây là một nghiên cứu giá trị khi đã khám phá được một hành vi ngoài tự nhiên, sau đó tìm kiếm cơ chế phân tử của nó". Các thụ thể điều chỉnh cảm giác thân nhiệt không chỉ xuất hiện trên gấu trúc. Nhiều loài động vật khác như voi, chim cánh cụt và cả con người cũng sở hữu chúng.

Vì vậy, nghiên cứu các hợp chất tự nhiên giúp điều chỉnh thân nhiệt có thể giúp chúng ta có được những "liều thuốc" chống lạnh hiệu quả. Chẳng hạn như ngoài BCP-BCPO, trước đây chúng ta cũng từng biết đến một hợp chất trong ớt, được gọi là capsaicin, có khả năng kích hoạt một thụ thể làm cho con người cảm thấy ấm hơn.

Nghiên cứu mới được đăng trong Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ.

Tham khảo PNAS, Science, Theguardian.

Cập nhật: 13/12/2020 Theo Pháp luật và bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video