Uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tác hại đầu tiên của những cuộc nhậu nhẹt, uống nhiều rượu bia là khiến cơ thể mệt mỏi. Nhưng nếu ai đang có suy nghĩ rượu sẽ tan nhanh thôi thì bạn đã nhầm.
Đồ uống có cồn nói chung trong thời gian dài sẽ rất có hại cho sức khỏe
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn nói chung trong thời gian dài sẽ rất có hại cho sức khỏe, thậm chí để lại những hệ lụy khôn lường về sau.
Theo nghiên cứu của Viện Quốc gia về lạm dụng rượu và nghiện rượu của Hoa Kỳ (NIAAA), chỉ cần uống trên 4-5 ly rượu nặng trong 2 giờ thì bạn sẽ rơi vào trạng thái say rượu.
Trạng thái say rượu liên tục xảy ra từ 5 ngày trở lên trong một tháng sẽ gây hậu quả làm biến đổi cấu trúc gene.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Alcoholism, các nhà nghiên cứu đã xác định rượu có thể làm thay đổi hai loại gene – một gene điều chỉnh đồng hồ sinh học cơ thể, và một gene giúp giải tỏa căng thẳng.
Nhóm tác giả từ trường Đại học Rutgers (Mỹ) cũng chỉ ra rằng sự biến đổi gene ở những người hay say xỉn càng khiến họ thèm rượu hơn, lâu dần sẽ dẫn đến nghiện rượu.
Uống nhiều rượu bia sẽ làm tăng khả năng mắc hàng loạt các bệnh ung thư nguy hiểm.
Làm tăng khả năng gây ung thư vùng đầu, vòm họng, gan và ngực
Kết quả một nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia – Mỹ (NCI) cho thấy việc uống nhiều rượu bia sẽ làm tăng khả năng mắc hàng loạt các bệnh ung thư nguy hiểm.
Tạp chí Ung thư Quốc tế (International Journal of Cancer) công bố trong năm 2012, theo số liệu ước tính có hơn 5% các trường hợp ung thư mới và gần 6% các ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới là do rượu.
Những người càng nghiện rượu nặng sẽ càng có nguy cơ mắc bệnh cao, chẳng hạn những người nghiện rượu nặng thường có khả năng mắc bệnh ung thư thực quản cao gấp 5 lần những người không uống rượu.
Nhưng ngay cả người uống với lượng vừa phải cũng có nguy cơ cao hơn mắc bệnh ung thư miệng, vòm họng và ung thư vú.
Theo ông Kathy Jung, Giám đốc bộ phận chuyển hóa và ảnh hưởng sức khỏe của NIAAA, chúng ta cần đặc biệt thận trọng với căn bệnh ung thư vú, bởi chỉ cần uống một ly mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Những người càng nghiện rượu nặng sẽ càng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Thay đổi thành phần vi sinh vật trong ruột
Trong ruột có hàng chục nghìn tỉ vi sinh vật, hầu hết đều là các vi khuẩn có lợi giúp tiêu hóa thức ăn và sản xuất các vitamin.
Nhưng rượu lại gây ảnh hưởng tới thành phần và chức năng của lớp vi sinh vật này, kích thích vi khuẩn phát triển quá mức, gây mất cân bằng đường ruột.
Điều này có thể dẫn đến một loạt các vấn đề tiêu hóa, bao gồm đau dạ dày, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy và chứng đỏ mặt.
Ảnh hưởng đến trí nhớ và cấu trúc não bộ
Việc uống nhiều rượu bia cũng khiến bạn mất trí nhớ tạm thời, các dữ kiện xảy ra trước đó hầu như không thể nhớ lại được.
Về lâu dài, nó có thể gây ảnh hưởng đến chức năng não bộ. Những người uống nhiều rượu trong thời gian dài có nguy cơ bị ảnh hưởng dây thần kinh, gây ra các vấn đề nhận thức kể cả khi tỉnh táo.
Theo các nghiên cứu trước đây, uống rượu bia và các loại đồ uống có cồn nói chung cũng có thể làm xói mòn mô não và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Uống nhiều rượu bia cũng khiến bạn mất trí nhớ tạm thời.
Gây rối loạn nội tiết tố
Nghiện rượu lâu năm cũng sẽ khiến hệ thống nội tiết tố trong cơ thể bị tàn phá. Việc truyền tín hiệu giữa hệ thần kinh, hệ nội tiết và hệ miễn dịch bị gián đoạn.
Hậu quả gây ra có thể rất nghiêm trọng như: thường xuyên căng thẳng, rối loạn chức năng miễn dịch, suy giảm khả năng sinh sản…
Phụ nữ mang thai uống nhiều bia rượu cũng sẽ gây ảnh hưởng tới thai nhi, sinh bé nhẹ cân, dị tật.
Văn phòng phòng chống bệnh tật và cải thiện sức khỏe của liên bang Mỹ (Office of Disease Prevention and Health Promotion) gợi ý phụ nữ chỉ nên uống 1 ly rượu mỗi ngày, và 2 ly dành cho nam giới.
Ông Kathy Jung nhấn mạnh: "Uống 1 ly mỗi ngày khác với việc uống 7 ly vào cuối tuần. Uống quá nhiều rượu cùng lúc không phải là sự lựa chọn an toàn cho sức khỏe".