Australia lần đầu tiên phát hiện hóa thạch của loài kền kền cổ xưa

  •  
  • 235

Loài kền kền đã tuyệt chủng có tên là Cryptogyps Lacertosus từng xuất hiện tại Australia trong giai đoạn cuối kỷ nguyên Pleistocene, hóa thạch của chúng được tìm thấy năm 1901 nhưng nhầm là đại bàng.

Các nhà khoa học nghiên cứu hóa thạch Kỷ Băng hà vừa phát hiện ra các loài kền kền từng sống tại Australia.

Ảnh phục dựng loài kền kền đã tuyệt chủng.
Ảnh phục dựng loài kền kền đã tuyệt chủng.

Trong nghiên cứu được công bố ngày 20/7, nhóm nhà khoa học tại Đại học Flinders và Bảo tàng Nam Australia đã xác nhận phát hiện trên. Theo đó, loài chim ăn thịt đã tuyệt chủng có tên là Cryptogyps Lacertosus đã xuất hiện tại quốc gia châu Đại Dương này trong giai đoạn cuối kỷ nguyên Pleistocene.

Hóa thạch của loài này được tìm thấy vào năm 1901, song được phân loại nhầm vào danh mục chim đại bàng.

Trong phân tích mới nhất, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng hóa thạch trên thuộc một giống kền kền cổ xưa trên thế giới.

Hiện, 16 loài trong giống kền kền này vẫn đang sống bên ngoài lãnh thổ Australia.

Tác giả nghiên cứu, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học Ellen Mather tại Đại học Flinders, cho biết bà và các cộng sự đã so sánh mẫu hóa thạch trên với các loài chim săn mồi khắp thế giới.

Kết quả cho thấy loài chim này không có các đặc điểm của một "thợ săn" và không phải là diều hâu hay đại bàng. Các đặc điểm xương cẳng chân quá kém phát triển để có thể hỗ trợ hệ cơ vốn cần thiết cho việc săn mồi.

Khi đặt loài Cryptogyps vào cây tiến hóa, những nhận định của các nhà nghiên cứu rằng loài chim này là kền kền càng được củng cố vững chắc.

Dựa vào xương chân, nhóm nghiên cứu suy ra rằng loài Cryptogyps không chủ động săn mồi mà ăn xác của các loài động vật đã bị những con thú ăn thịt khác bỏ lại.

Nhà nghiên cứu Mather nhấn mạnh kền kền đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái vì giúp đẩy nhanh việc tiêu thụ xác động vật và giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Phát hiện mới nói trên cũng đã tiết lộ số lượng các loài chim ăn thịt lớn hơn nhiều trong quá khứ.

Cập nhật: 22/07/2022 TTXVN/Vietnam+
  • 235