Khoảng 180.000-200.000, Trái đất bất ngờ trở nên bụi mù mịt so với thời gian trước đó, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của loài người khi vừa rời khỏi cái nôi châu Phi.
Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Rivka Amit từ Cơ quan Khảo sát địa chất Israel đã giải mã được bí ẩn đằng sau hiện tượng lớp đất ở khu vực Đông Địa Trung Hải mỏng hoặc dày bất thường ở nhiều nơi, từ đó khám phá ra sự kiện ảnh hưởng đến tương lai nhân loại 200.000 năm trước.
Họ phát hiện ra rằng ở nơi đất mỏng, các loại hạt trong đất có nguồn gốc từ các sa mạc xa xôi như Sahara; trong khi nơi có đất dày và màu mỡ hơn, sở hữu loại bụi thô hơn gọi là hoàng thổ, có nguồn gốc từ sa mạc Negev gần đó.
Sơ đồ di chuyển của bụi trên Trái đất 200.000 năm trước, bồi đắp nên hoàng thổ ở nhiều vùng đất thuộc khu vực Levant - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
Vùng đất dày và màu mỡ ấy hình thành từ khoảng 180.000-200.000 năm trước. Khi đó, hoạt động liên tục của các sông băng đã để lại một lớp nền bị mài mòn, tạo nên vô số trầm tích hạt mịn. "Toàn bộ hành tinh trở nên bụi hơn rất nhiều, điều này cho phép các cánh đồng cát rộng lớn như Negev hình thành, tạo ra nguồn bụi mới và cuối cùng là lớp hoàng thổ dày cho những nơi như Levant (vùng địa lý gồm nhiều quốc gia ở phần Đông Địa Trung Hải của Tây Á) ngày nay" – tiến sĩ Amit cho biết.
Khoảng thời gian đó trùng khớp với một sự kiện quan trọng: cuộc di cư ồ ạt của loài người ra khỏi châu Phi. Như các bằng chứng khảo cổ đã ghi nhận, khu vực Levant như là "cửa ngõ" của cuộc di cư, với sự phát triển đáng ngưỡng mộ của nhiều nền văn minh cổ đại.
Vì vậy, sự kiện bụi trên Trái đất bất ngờ bủa vây và biến khu vực Levant – vốn có tốc độ phong hóa biến đá thành đất chậm – thành nơi cực kỳ màu mỡ với lớp hoàng thổ dày, đã giúp loài người có cơ hội "trỗi dậy" theo.
Rất tiếc, sau khi hoàn thành sứ mệnh "cửa ngõ" cho cuộc viễn chinh ở loài người, khu vực này ngày càng kém màu mỡ do nguồn bụi bị cắt đứt, không còn hoàn thổ mới bù đắp, để lại khu vực Levant cằn cỗi ngày nay.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geology.