Báu vật Afghanistan

  •  
  • 804

Các tác phẩm đồ cổ vẫn thường tự bộc lộ và được biết đến qua hai câu chuyện: thứ nhất là chúng được sản xuất ra như thế nào, khi nào và ở đâu; thứ hai là chúng được phát hiện thấy như thế nào, khi nào và ở đâu. Tuy nhiên, điều đặc biệt về các báu vật Afghan đang được trưng bày tại Bảo tàng Guimet ở Paris lại không hề có thông tin gì về việc chế tác ra chúng cũng như việc phát hiện ra chúng. Chỉ biết rằng chúng đang tồn tại.

Kho tàng chôn giấu

Ở một đất nước mà suốt 27 năm liền chỉ toàn những cuộc chiến và bất ổn liên miên, với những tác phẩm nghệ thuật luôn bị đe doạ bởi nạn cướp bóc hoặc phá huỷ, thì những báu vật vô giá này, gồm toàn những vật dụng được chế tác bằng vàng Bactria (Bactria từng là một tiểu vương quốc, nay là một phần lãnh thổ thuộc Afghanistan), được tích trữ trong một cái hầm nằm bên dưới một cung điện cũ ở Kabul - không hiểu sao vẫn còn nguyên vẹn.

Vào năm 1989, Muhammad Najibullah, vị chủ tịch Đảng Cộng sản cuối cùng của Afghanistan, đã ra lệnh chôn giấu kho báu này. Các nhà quản lý cũng như các nhân viên ở Bảo tàng Kabul sau này cũng đã phải chống lại sự đe doạ và tra tấn của quân Taliban đòi thâm nhập vào các két sắt chứa các báu vật.


Chiếc thắt lưng bằng vàng này là một phần của di sản văn hoá lịch sử của Afghanistan
(Ảnh: BBC)

Chính nhờ sự lo xa cũng như sự dũng cảm này mà đến nay, người Afghan còn có thể tự hào về một chứng tích cho nền văn minh cổ đại của họ, có niên đại từ thời kỳ Đồ đồng. Tuy nhiên, do sự bất ổn về an ninh liên tục ở Kabul, họ không thể được xem kho báu đó, trừ khi họ đến thăm cuộc triển lãm Afghanistan, recovered treasures: Collections of The National museum of Kabul (Afghanistan, kho báu được tìm lại: Các bộ sưu tập của Bảo tàng quốc gia Kabul), được tổ chức tại Bảo tàng Guimet cho đến hết tháng 4 năm sau.

Cuộc triển lãm trưng bày các phần của bốn bộ sưu tập khác nhau, nhưng nổi bật nhất là một tập chọn 100 tác phẩm từ khoảng 21.618 tác phẩm vàng Bactria phát hiện được trong năm 1978 bởi nhà khảo cổ học người Hy Lạp gốc Nga, Viktor Sarianidi, tại địa danh Tillia-Tepe ở bắc Afghanistan.

Trong 6 hầm mộ có niên đại từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên (1/7 đã bị cướp), các vật dụng bằng vàng đã từng được dùng để trang trí cho cơ thể và váy của 5 phụ nữ và 1 đàn ông, vẫn còn nguyên vẹn. Do còn ít điều được biết về đế chế Kushan trị vì vùng này vào thời đó, các di vật phải tự nói lên câu chuyện của chúng.

Sherazaddin Saifi, giám đốc của Bảo tàng quốc gia Afghan ở Kabul, đang phục chế một bản khắc bằng ngà voi và đồng cho nó trở về vẻ đẹp rực rỡ ban đầu
Sherazaddin Saifi, giám đốc của Bảo tàng quốc gia Afghan ở Kabul, đang phục chế một bản khắc bằng ngà voi và đồng cho nó trở về vẻ đẹp rực rỡ ban đầu 

Một cái tay nắm (quai) của một chiếc vạc (để nấu) được chạm trổ phức tạp, chứng tỏ quá khứ phong phú của Afghanistan
Một cái tay nắm (quai) của một chiếc vạc (để nấu) được chạm trổ phức tạp, chứng tỏ quá khứ phong phú của Afghanistan.

Nghệ thuật bên bờ tuyệt diệt

Cuộc triển lãm của Bảo tàng Guimet là một sự tuyên bố về vẻ đẹp và sự tinh xảo đáng kinh ngạc của các tác phẩm này. Hầu hết các tác phẩm thuộc loại trang sức: nhẫn có khắc hình làm ấn, vòng cổ, vòng tay, thắt lưng, khuyên tai, xăng-đan, khăn trùm đầu và cả một vật trông giống một vương miện. Rất nhiều mẫu vật có cả hình người và con thú, một số có khảm ghép với đá xanh da trời và ngọc lam, tất cả đều được thiết kế rất cầu kỳ.

Chẳng hạn, một mẫu vật hình người có cánh nhỏ đã được đặt tên là "Nữ thần Aphrodite của Bactria". Hai mẫu vật hình người khác khắc chạm thần tình yêu Cupid đang cưỡi cá heo. Hai cái khoá bằng vàng có khắc hình hai người lính mặc áo giáp và đeo khiên giáo. Một chiếc nhẫn có hình nữ thần Athena, một nữ thần Hy Lạp tượng trưng cho sự thông thái, cũng đang cầm khiên và giáo. Một bức tượng nhỏ hình con dê rừng đặc trưng của vùng núi Alps.


Chiếc vòng cổ này được nhóm những người bảo vệ bí mật của kho báu Afghanistan cho Bảo tàng Guimet mượn

Các chuyên gia phục chế tại Bảo tàng Guimet đang làm sạch những vật báu
Các chuyên gia phục chế tại Bảo tàng Guimet đang làm sạch những vật báu.

Vàng Bactria - sự pha trộn của các nền văn hoá truyền thống của Hy Lạp, Bactria và đời sống du cư - minh hoạ một cách sống động địa danh lịch sử của Afghanistan ở nơi giao lộ của các nền văn minh cổ đại: Hy Lạp ở phương Tây, Ấn Độ và Trung Quốc ở phương Đông. Trong bộ sưu tập nhỏ khác được trưng bày tại đây - những chiếc bình vàng Fullol có niên đại vào khoảng năm 2200 đến 1800 trước Công nguyên - còn thấy ảnh hưởng rất rõ rệt của nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia, nền văn minh gồm lãnh thổ Iraq, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây nam Iran hiện nay).

Một nhân viên Bảo tàng Guimet về nghệ thuật châu Á đang làm việc với một bức tượng nữ thần sông được tìm thấy trong số những báu vật được chôn giấu ở Afghanistan trong hơn hai thập kỷ.

Bộ sưu tập thứ ba, các mẫu vật tìm thấy bởi các nhà khảo cổ người Pháp trong khoảng thời gian từ 1964 đến 1978 ở khu vực Ai Khanoum, cho thấy ảnh hưởng Hy Lạp trong vùng này từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Các vật phẩm trưng bày bao gồm các bát bằng sứ, các hình người bằng ngà và đồng, các tượng đá được khắc chạm theo phong cách Hy Lạp nhưng lại cho thấy đó là những người đàn ông Trung Á.

Kho báu Begram, có lẽ là kho báu quan trọng nhất từng tìm được ở Afghanistan trước khi phát hiện ra vàng Bactria, được biết đến với những bức tượng nhỏ bằng ngà voi tạc các nữ thần sông (rất nhiều trong số này cũng được cất giấu ở hầm Kabul vào năm 1989). Có thể thấy rõ chất Ấn Độ trong cảm xúc nghệ thuật của chúng, những hình người có eo bé tí, rất nhiều người để ngực trần, đứng trong những tư thế gợi cảm trên những cái giỏ được trang trí bằng hoa quả.

Kho báu này, có niên đại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ ba sau Công nguyên, cũng phản ánh ảnh hưởng Hy Lạp - La Mã qua các đồ bằng thuỷ tinh có sơn vẽ, diễn tả các cảnh săn bắn, các con thú và cá. Có một mẫu vật đáng ngạc nhiên, một huy chương bằng thạch cao, đắp nổi ba chiều hình thần Cupid.

Cái đẹp không lai lịch

Vào năm 1922, Afghanistan đã mời các nhà khảo cổ người Pháp thiết lập một nhóm làm việc lâu dài ở nước này như là một cách để làm đối trọng trước ảnh hưởng thuộc địa của nước Anh. Do đó, trong nhiều năm của thế kỷ 20, các nhà khảo cổ Pháp đã được độc quyền khai quật các khu vực cổ ở đây. Thoả thuận này, vào thời đó được phổ biến trên khắp vùng Trung Đông, cũng cho phép các nhà khảo cổ nước ngoài được phép mang về nước những gì họ tìm thấy.

Do đó, Pháp không chỉ tìm thấy một bộ sưu tập lộng lẫy về nghệ thuật Afghan, mà các nhà khoa học của Pháp cũng thiết lập nên một truyền thống của giới khảo cổ học ở khu vực này. Vào năm 1982, nhiệm vụ của phái đoàn khảo cổ Pháp đã bị chấm dứt ở Afghanistan, nhưng được mở lại sau sự hất cẳng của lực lượng Taliban vào năm 2003. Cũng vào năm 2001, Bảo tàng Guimet đã trưng bày một cuộc triển lãm gọi là Afghanistan, câu chuyện của một nghìn năm, và những hạt giống của cuộc triển lãm hiện nay đã được gieo từ ngày đó.


Sherazaddin Saifi, giám đốc của Bảo tàng quốc gia Afghan ở Kabul, đang phục chế một bản khắc bằng ngà voi và đồng cho nó trở về vẻ đẹp rực rỡ ban đầu.


Con dao găm tuyệt đẹp này, cùng với nhiều tuyệt tác khác, được trưng bày như là một phần của triển lãm Afghanistan, recovered treasures tại Bảo tàng Guimet.


Các mẫu vật này được phát hiện từ một hầm ngầm bí mật ở Kabul, chứng nhận cho quá khứ giàu có của Afghanistan ở nơi giao lộ của Con đường tơ lụa Silk Road, một tuyến đường thương mại cổ đại của khu vực.


Một vị khách đang chiêm ngưỡng các báu vật Afghan đang trưng bày tại bảo tàng Guimet ở Paris.

 

Tuy nhiên, vào tháng 5 năm nay, sau khi Tổng thống Hamid Karzai đã xác nhận tán thành cuộc trưng bày và giám đốc Bảo tàng Kabul, Omar Khan Massoudi, đã lựa chọn các tác phẩm từ 4 bộ sưu tập trên, Quốc hội Afghan đã ra phán quyết rằng các mẫu vật này không được phép đưa ra ngoài biên giới. Mặc dù quyết định này sau đó đã được huỷ bỏ, nhưng đã lấy mất nhiều thời gian để tổ chức triển lãm Guimet. Điều khác thường là, không có catalog nào được phát hành.

Với rất ít thông tin được cung cấp về sự chế tác cũng như hoàn cảnh phát hiện ra những kho báu này, tuy thế, triển lãm này hơn tất cả là một sự ca ngợi rằng chúng tồn tại. Và chỉ điều đó thôi đã cho thấy cả một cuộc hành trình khám phá vô cùng phong phú.

Thục Phương

Theo Sài Gòn tiếp thị
  • 804