Bên trong thành phố nguy hiểm nhất thế giới

  •  
  • 1.936

Manizales là một thành phố ở Caldas (trung tâm khu vực trồng cà phê của Colombia), được bao quanh bởi khung cảnh nông thôn tuyệt đẹp. Tuy nhiên, do nằm dưới ngọn núi lửa Nevado del Ruiz nên nơi đây thường xuyên phải hứng chịu thảm họa động đất, núi lửa hoạt động bất cứ lúc nào…

Thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử

Đêm 13/11/1985, Luz Estrella Arías ở nhà cùng con gái tại Manizales. Cô nghe thấy tiếng động lớn vọng lại và nghĩ xe tải va vào nhau nhưng sau đó lại nghe thấy tiếng la hét. Cô cho biết “suy nghĩ đầu tiên của tôi là ở yên trong nhà. Tuy nhiên sau đó, nước bắt đầu tràn vào. Tôi vội ôm lấy con gái và chạy ra ngoài. Nước cuốn mạnh, tôi xoay sở tóm lấy một cây cà phê và níu mình lại”. Vừa nói, cô vừa níu một cây cột ở hiên nhà để tái hiện lại động tác đó.

Hơn 250 người hàng xóm của cô sống ở bên dưới thung lũng thì không được may mắn như vậy. Họ đã thiệt mạng do nước và đá cuốn trôi bởi tác động núi lửa Nevado del Ruiz phun trào cách đó 15km về hướng Đông. Sau đó, mọi người phải mất một tháng để dọn dẹp mảnh vỡ và khôi phục lại mọi thứ.

Núi lửa Nevado del Ruiz có thể phun trào bất cứ lúc nào.
Núi lửa Nevado del Ruiz có thể phun trào bất cứ lúc nào. (Ảnh: Getty Images).

Ở phía Đông của núi lửa, thiệt hại tàn khốc hơn rất nhiều. Khi trạm điều khiển gọi cho Tổng thống Belisario Betancur để thông báo rằng, một thị trấn đã bị xóa sạch khỏi bản đồ thì Tổng thống nói anh ta đừng phóng đại mọi chuyện. Anh ta không nói dối, 2/3 trong tổng số 29.000 cư dân ở đó đã thiệt mạng trong vụ lở đất. Đây là thảm họa thiên nhiên kinh khủng nhất trong lịch sử Colombia.

Khu vực này trải dài trong khu vực núi lửa Nevado del Ruiz nên việc phải đối mặt với những rủi ro thảm họa thiên nhiên không thể so sánh được với bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Thành phố Manizales đã phải trải qua 6 trận động đất lớn trong thế kỉ XX. Trong đó, một trận động đất với cường độ 6.2 độ Richter đã cướp đi tính mạng 2.000 người. Núi lửa phun trào xảy ra như năm 1985 rất hiếm, tuy nhiên hiện tại Nevado del Ruiz thường xuyên phun tro bụi làm cả thành phố bị bao phủ bởi khói bụi và sân bay phải đóng cửa. Trong khi đó, địa hình đồi núi của khu vực này tạo ra vùng khí hậu dễ bị mưa lớn và là điều kiện thuận lợi xảy ra các vụ lở đất.

Thành phố hơn 400.000 dân này đã và đang học cách sống với tình huống khẩn cấp. Những người đầu tiên xây dựng nên thành phố này là người chăn bò ở khu vực giữa Bogota (thủ đô Colombia) và bờ biển Thái Bình Dương. Họ được biết đến là những người rất rắn rỏi. Trải qua nhiều thảm họa thiên nhiên với những mất mát lớn, bây giờ họ lại nổi tiếng về một thứ đó là chính sách cộng đồng xuất sắc.

Bài học từ Manizales

Manizales trở thành minh chứng toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trên các bức tường của văn phòng Nghiên cứu Địa chất Colombia gắn hàng loạt các màn hình để chuyển tiếp thông báo các hoạt động địa chấn, hình ảnh vệ tinh và qua webcam của các núi lửa gần đó. Với gần 150 điểm lắp đặt cảm biến và thu thập dữ liệu, Nevado del Ruiz là một trong những núi lửa được quan trắc và giám sát chặt chẽ nhất trên thế giới.

Cùng lúc đó, tại các khu dân cư nghèo xa xôi hẻo lánh, chính phủ Colombia đang tiến hành xây dựng tường bê tông để ổn định sườn dốc và đào kênh thoát nước nhằm giảm thiểu tác động do lũ lụt. Thành phố Manizales có bản đồ để theo dõi mức độ rủi ro của các tòa nhà. Cụm cảm biến cũng được lắp đặt khắp nơi để phân tích thời điểm chính xác của lũ lụt và động đất.

Thành phố Manizales thường xuyên xảy ra lở đất.
Thành phố Manizales thường xuyên xảy ra lở đất. (Ảnh: EPA)

Mario Salgado-Galvez, một chuyên gia phân tích rủi ro địa chấn người Colombia cho biết: “Trong tường hợp động đất xảy ra, các thiết bị cảm biến sẽ tự động tính toán để nhà chức trách có thể huy động nguồn lực đến khu vực bị ảnh hưởng trong vòng vài phút. Manizales được thế giới công nhận có cách tiếp cận sáng tạo trong việc ngăn chặn và ứng phó với thảm họa”.

Sự thành công đặc biệt này dựa trên chính sách hơn là công nghệ. Colombia đã yêu cầu các chính quyền đô thị tự trị tự thực hiện đánh giá và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, các Thống đốc và Thị trưởng thiên về các dự án trường học hay sân vận động hơn là đầu tư vào việc phục hồi thảm họa - điều mà họ không chắc sẽ được đền đáp trong tương lai.

Còn tại thành phố Manizales, trải nghiệm thực tế đã giúp người dân nhận thức được phải học hỏi từ những thảm họa đã xảy ra. “Phòng ngừa rủi ro đã trở thành một phần văn hóa của chúng tôi”, ông Jose Octavia Cardona, Thị trưởng thành phố, làm việc ở một văn phòng trên cao có thể nhìn ra núi lửa Nevado del Ruiz, chia sẻ.

Thành phố Manizales cũng gây quỹ cho dự án chống thảm họa thiên tai theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, thành phố đưa ra chính sách thu thuế môi trường; chính sách phí bảo hiểm trợ cấp tổng hợp được tính dựa trên tài sản sở hữu. Từ đó, các khu vực kinh tế có thu nhập cao hơn giúp đỡ những khu vực nghèo hơn. Giảm thuế cũng được áp dụng cho những chủ hộ chủ động làm giảm thiểu thiệt hại tài sản khi xảy ra thảm họa.

Cứ đến tháng 10 hàng năm, thành phố Manizales còn tổ chức “Tuần lễ phòng chống thiên tai”. Các tình huống diễn tập được thực hiện không chỉ là các tình huống thiên tai do thiên nhiên gây ra mà còn cả các thảm họa do yếu tố con người như hỏa hoạn hay tai nạn giao thông cũng được thực hiện. Năm nay, trọng tâm tập huấn cho 60.000 học sinh ở Caldas - những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong thảm họa - hiểu về cách đối phó khi xảy ra thiên tai và lở đất.

Tháng 4/2017, mưa lớn kéo dài đã gây ra hơn 30 vụ lở đất và lấy đi tính mạng của 17 con người tại vùng này. Tuy nhiên, trong vòng một tuần, nhờ hệ thống phản ứng và cảnh báo, các con đường bị vùi lấp đã được dọn sạch và toàn thành phố có thể trở lại hoạt động bình thường.

Dù phải đối mặt thường xuyên với thảm họa xảy ra bất cứ lúc nào nhưng việc bất cẩn trong cảnh báo nguy hiểm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Một tháng trước, tại thành phố Mocoa ở phía Nam Colombia, bão lũ xảy ra được cho là một trong những thảm họa chết nhiều người nhất ở đất nước này trong một thập kỷ qua. 250 người đã thiệt mạng, hơn 30.000 người khác phải sơ tán và mất gần 6 tháng để thành phố khôi phục mọi thứ.

Quay trở lại thảm hoạ núi lửa năm 1985, những chứng tích còn sót lại luôn là một lời nhắc nhở cho tất cả mọi người. Tại một con phố, ba còi báo động màu đen được dựng lên để cảnh báo người dân trong trường hợp cần sơ tán. Thoát khỏi trận động đất và núi lửa phun trào lịch sử, cô Luz Estrella Arías hiện đang sống trên núi, trong một khu định cư mới. Đây là một phần của chương trình tái định cư, đưa hàng ngàn gia đình ra khỏi khu vực dễ bị lũ lụt. Cô Arías đã được huấn luyện cách ứng phó với tình huống khẩn cấp và bây giờ cảm thấy đã được chuẩn bị kĩ càng hơn rất nhiều so với năm 1985.

Cập nhật: 25/12/2018 Theo tuoitrethudo
  • 1.936