Ông Nguyễn Bông, 48 tuổi, thường trú tại Huyện Đông Hòa tỉnh Phú Yên hiện đang sở hữu một chiếc chuông cổ quý hiếm, chưa rõ nguồn gốc, theo thông tin từ cơ quan chức năng Phú Yên ngày 27/6.
Tuy nhiên, cũng theo cơ quan này, mặc dù đã xem qua chiếc chuông, nhưng đến nay vẫn chưa thể xác định rõ gốc tích, niên đại của nó.
Những dòng ký tự chưa giải đáp được. (Ảnh: T.Hội/ Báo Phú Yên)
Chiếc chuông nặng khoảng 0,3kg, chiều cao khoảng 15cm, đường kính lòng chuông khoảng 10cm, làm bằng đồng, có màu nâu đỏ. Trên chóp chiếc chuông có hình nổi một con rồng, bên thân chuông có 3 vị Phật ngồi khoan thai, nối giữa là những ký tự tượng hình theo tiếng Hán cổ.
Theo ông Bông, chiếc chuông được một công nhân lao động tại Thủy điện Sơn La nhặt được cách đây 7 năm (2005), sau đó bán lại cho ông.
Từ đó đến nay, ông Bông đã đem chuông đi nhiều nơi nhờ giải mã ký tự trên chuông, cũng như xác định gốc tích, niên đại và giá trị của chuông, tuy nhiên chưa ai giải đáp được.
Trên thân chuông có 3 hình tượng Phật
Một số cao tăng qua nghiên cứu sách vở cho rằng đây là: "chiếc chuông rung thiên long tam cõi", là vật dùng để thờ phượng nhưng cũng chưa từng nhìn thấy chuông loại này. “Các nhà sư cũng không thể dịch hết những ký tự trên thân chiếc chuông để xác định niên đại cũng như giá trị của nó”, ông Bông cho biết.
Do biết chiếc chuông là cổ vật giá trị nên dù đã có một số người sưu tầm đồ cổ tìm đến trả giá nhưng ông vẫn chưa có ý định bán. Hiện ông đang tiếp tục tìm người hiểu biết để phân tích về giá trị, nguồn gốc của chuông.
Tháng 3 năm ngoái, tỉnh Phú Yên cũng đã phát hiện một chiếc chuông cổ có niên đại 270 năm. Theo một nhà nghiên cứu, chuông này được đúc vào ngày 29/2 năm Tân Dậu niên hiệu Vĩnh Hựu, tức là năm 1741, đời vua Lê Ý Tông, được xem là chiếc chuông cổ nhất phát hiện tại tỉnh này tính đến thời điểm đó.