Bi kịch của cha đẻ ngành hóa học hiện đại, bị hành quyết vì lý do khó tin

  •  
  • 580

Antoine-Laurent de Lavoisier, một nhà hóa học lỗi lạc người Pháp ở thế kỷ 18, được mệnh danh là "cha đẻ của ngành Hóa học hiện đại" với những thí nghiệm tỉ mỉ và những khám phá mang tính đột phá thay đổi cách con người hiểu về các phản ứng hóa học.

Công trình của ông đã đặt nền móng cho các nguyên tắc chính, bao gồm định luật bảo toàn khối lượng và cách gọi tên các chất hóa học một cách có hệ thống.

Antoine-Laurent de Lavoisier được mệnh danh là "cha đẻ của ngành Hóa học hiện đại".
Antoine-Laurent de Lavoisier được mệnh danh là "cha đẻ của ngành Hóa học hiện đại".

Sinh năm 1743 tại Paris, Pháp, Antoine Lavoisier lớn lên trong một gia đình giàu có. Nhận thấy niềm yêu thích của con trai đối với khoa học, cha Lavoisier- một luật sư nổi tiếng làm việc trong Nghị viện Pháp, đã cung cấp cho ông một nền giáo dục vững chắc về toán học, thiên văn học và thực vật học.

Lavoisier học luật, tốt nghiệp Đại học Paris và được cấp giấy phép hành nghề luật sư năm 1764, nhưng niềm đam mê thực sự của ông lại dành cho khoa học tự nhiên.

Ông theo đuổi các nghiên cứu khoa học một cách độc lập và trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp khi mới 25 tuổi, đánh dấu bước khởi đầu cho sự nghiệp khoa học lẫy lừng của ông, theo Chemistryviews.

Thách thức ý niệm thông thường, phát minh Định luật bảo toàn khối lượng

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Lavoisier là bác bỏ Thuyết nhiên tố thịnh hành vào thế kỷ 17. Vào thời điểm đó, người ta tin rằng một chất gọi là phlogiston đã được giải phóng trong quá trình đốt cháy, giải thích tại sao vật liệu cháy và kim loại tăng trọng lượng khi nung nóng.

Lavoisier, với cách tiếp cận tỉ mỉ, đã tiến hành một loạt thí nghiệm thách thức lý thuyết này. Ông đã chứng minh rằng quá trình đốt cháy không phải là sự giải phóng mà là một quá trình các chất kết hợp với oxy từ không khí.

Phát hiện của Lavoisier đã dẫn đến việc công nhận oxy là một nguyên tố quan trọng trong quá trình đốt cháy, từ đó cách mạng hóa sự hiểu biết về các phản ứng hóa học.


Ông phát hiện ra nhiều lý thuyết mới mang tính cách mạng trong ngành hóa học.

Các thí nghiệm của Lavoisier về sự đốt cháy và các phản ứng hóa học cũng giúp ông đưa ra định luật bảo toàn khối lượng. Thông qua các phép đo chính xác, ông đã chỉ ra rằng tổng khối lượng của các chất phản ứng trong một phản ứng hóa học bằng tổng khối lượng của các sản phẩm tạo thành.

Nguyên tắc đột phá này đã cung cấp nền tảng để hiểu khái niệm cơ bản về bảo toàn vật chất, tạo nền tảng của hóa học ngày nay. Định luật Lavoisier có tác động sâu sắc đến sự phát triển của hóa học, nhấn mạnh tầm quan trọng của các phép đo chính xác và phân tích định lượng trong các nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, Lavoisier nhận ra sự cần thiết đặt tên các chất hóa học một cách có hệ thống. Cùng với nhà hóa học Louis-Bernard Guyton de Morveau, ông đã phát triển một hệ thống danh pháp toàn diện để phân loại, đặt tên cho các nguyên tố và hợp chất hóa học dựa trên tính chất của chúng.

Cách tiếp cận mang tính cách mạng này đã mang lại trật tự và nhất quán cho các quy ước đặt tên hỗn loạn tồn tại vào thời điểm đó. Hệ thống của Lavoisier đã đặt nền móng cho danh pháp hóa học hiện đại, và nhiều cái tên mà ông đề xuất, chẳng hạn như Oxy và Hydro, vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Những đóng góp của Antoine Lavoisier cho lĩnh vực hóa học mang tính đột phá và sâu rộng. Sự nhấn mạnh của ông vào các phép đo chính xác, sự bác bỏ Thuyết nhiên tố và việc ông xây dựng định luật bảo toàn khối lượng đã tạo nên một cuộc cách mạng trong việc nghiên cứu các phản ứng hóa học.

Cách tiếp cận có hệ thống của Lavoisier để đặt tên cho các chất hóa học đã mang lại trật tự cho một lĩnh vực vốn vô định trước đây.

Bị hành quyết gây chấn động giới khoa học

Đáng tiếc, cuộc đời của Antoine Lavoisier đã kết thúc quá sớm và bất công trong bối cảnh hỗn loạn của Cách mạng Pháp. Bất chấp những đóng góp to lớn của ông cho khoa học, công việc trước đây của Lavoisier là người thu thuế đã khiến ông bị bắt và cuối cùng bị hành quyết.


Cuộc đời Lavoisier kết thúc ngắn ngủi chỉ vì ông là viên chức ngành thuế.

Trong cuộc Cách mạng Pháp, giới cấp tiến đã tìm cách xóa bỏ mọi tàn dư của chế độ cũ và đã quyết định giết những viên chức thuế, trong đó có Antoine-Laurent Lavoisier. Những đóng góp của ông cho sự tiến bộ của hóa học và danh tiếng của ông với tư cách là một nhà khoa học bị bỏ qua hoàn toàn.

Những lời cầu khẩn của Lavoisier tiếp tục công việc khoa học và những lời đề nghị cộng tác vì lợi ích của khoa học đã bị bỏ qua. Ở tuổi 50, Antoine Lavoisier bị đưa lên đài chém cùng với 27 cá nhân khác. Vụ hành quyết của ông đã gây ra một làn sóng chấn động trong cộng đồng khoa học, bởi một trong những bộ óc lỗi lạc nhất thời bấy giờ đã bị đánh mất.

Bất chấp số phận bất công, di sản khoa học của Lavoisier vẫn trường tồn. Những ý tưởng và khám phá của ông tiếp tục định hình lĩnh vực hóa học hiện đại và truyền cảm hứng cho các thế hệ nhà khoa học tương lai.

Cập nhật: 15/06/2023 Vietnamnet
  • 580