Bí mật bất ngờ của lăng mộ nổi tiếng ở Ireland

  •  
  • 1.318

Một triều đại huy hoàng nhưng tự tách biệt mình bằng những cuộc hôn nhân loạn luân.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy vật liệu di truyền của những mảnh xương người tìm thấy trong lăng mộ Newgrange (Thái ấp Mới) nổi tiếng ở Ireland là của một người đàn ông sống vào thời kỳ đồ đá mới. Đây có thể là một vị vua có cha mẹ là anh/ chị em ruột.

Lăng mộ Newgrange (Thái ấp Mới).
Lăng mộ Newgrange (Thái ấp Mới).

Ireland vào thời kỳ đồ đá mới cách đây khoảng 5.000 năm nằm dưới sự cai trị của một triều đại huy hoàng nhưng có truyền thống kết hôn cận huyết thống để tự tách biệt mình với dân thường, giống như các pharaoh của Ai Cập cổ đại và một số hoàng gia Inca ở Trung Bộ châu Mỹ.

Nghiên cứu mới này vừa được công bố trên tạp chí Nature, Mỹ, ngày 17/6 vừa qua. Các nhà nghiên cứu đã xét nghiệm vật liệu di truyền của 42 người được chôn ở khu di chỉ đồ đá ở Ireland, có niên đại khoảng 5.800 đến 4.500 năm trước, và 2 người sống vào thời đồ đá giữa ở nơi chôn cất có niên đại khoảng 6.100 đến 6.700 năm trước.

Họ phát hiện ra trong số đó có 1 người được chôn trong hốc đá trang trí công phu nhất của dãy lăng mộ Newgrange, một trong những di tích của thời kỳ đồ đá sớm nhất ở châu Âu. Đây là một người đàn ông trưởng thành có cha mẹ là họ hàng cấp 1, tức là họ có thể là anh/ chị em ruột hoặc bố - con, mẹ - con, mặc dù điều này là cực kỳ hiếm thấy trong suốt lịch sử loài người.

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà di truyền học Lara Cassidy của Trường đại học Ba ngôi Dublin, cho biết mỗi người chúng ta thừa hưởng một bộ gene của mẹ và một bộ gene của bố và nhóm nghiên cứu đã so sánh hai bộ gene này ở xương của người đàn ông nói trên. Về cơ bản, hai bộ gene này cực kỳ giống nhau. Khi các nhà nghiên cứu tính toán hệ số cận huyết dựa trên số lượng DNA mà cả bố và mẹ cùng có, thì họ tìm thấy hai bộ gene này giống nhau đến 25%. “Đây là dấu hiệu của sự giao phối giữa những người họ hàng cấp độ 1, những người có 50% DNA giống nhau” – nhà di truyền học Cassidy cho biết.

Lăng mộ tập thể ở Newgrange được xây dựng vào thời kỳ đồ đá.
Lăng mộ tập thể ở Newgrange được xây dựng vào thời kỳ đồ đá.

Lăng mộ Newgrange hình tròn trong một buổi sáng sương mù ở thung lũng Boyne, Ireland.
Lăng mộ Newgrange hình tròn trong một buổi sáng sương mù ở thung lũng Boyne, Ireland. Các nhà khoa học cho biết nơi đây có xương của một người đàn ông rất có thể là một vị vua mà cha mẹ là anh chị em ruột.

Bên trong lăng mộ Newgrange.
Bên trong lăng mộ Newgrange.

Bộ xương được tìm thấy trong một hốc đá ở cuối dãy mộ

Hàng năm được ánh sáng mặt trời chiếu rọi chỉ trong vài ngày giữa mùa đông.
Bộ xương được tìm thấy trong một hốc đá ở cuối dãy mộ, hàng năm được ánh sáng mặt trời chiếu rọi chỉ trong vài ngày giữa mùa đông.

hàng năm được ánh sáng mặt trời chiếu rọi chỉ trong vài ngày giữa mùa đông.
Các vệt sao đêm bên trên lăng mộ Newgrange.

Triều đại cổ xưa

Hôn nhân loạn luân giữa anh chị em ruột là một điều cấm kỵ gần như của cả thế giới loài người, xét về cả lý do văn hóa và lý do sinh học. Sự chấp nhận về mặt xã hội duy nhất là ở tầng lớp tinh túy, điển hình là trong các dòng họ vua chúa được coi như thánh thần, chẳng hạn như các pharaoh Ai Cập. Đây là cách mà những người tự cho mình thuộc tầng lớp cao quý áp dụng để tách biệt mình khỏi những thường dân, họ đã phá vỡ điều cấm kỵ, phá vỡ tục lệ xã hội mà những người khác phải tuân theo.

Kết quả là những cuộc hôn nhân giữa anh chị em ruột chỉ được giới hạn trong các gia đình vua chúa được coi như thánh thần. Và mặc dù việc chôn cất long trọng người đàn ông tìm thấy ở Newgrange cho thấy sự chấp nhận của xã hội đối với sự kết hợp của cha mẹ anh ta, thì không hề có dấu tích nào của quan hệ hôn nhân tương tự ở bất kỳ nơi nào khác trong các di chỉ thời kỳ đồ đá ở Ireland.

Phát hiện này cũng trùng với một truyền thuyết ở địa phương nói về hiện tượng mặt trời chiếu sáng đặc biệt ở Newgrange. Truyền thuyết này nói rằng có một lăng mộ công phu ở nghĩa địa đồ đá Brú na Bóinne ở phía Bắc Dublin, nơi mà bình minh giữa mùa đông chiếu một luồng sáng rực rỡ vào sâu bên trong đến tận hốc đá nơi chôn cất một người đặc biệt.

Cũng theo truyền thuyết này, một vị vua đã cố xây dựng một tòa tháp cao ở gần Dowth chỉ trong một ngày (Dowth cách Newgrange khoảng 1,6 km) nhờ phép thuật của người em gái ông ta làm cho mặt trời không lặn cho đến khi tháp được xây xong. Nhưng nhà vua đã phá vỡ câu thần chú vì đã thông dâm với em gái của mình. Có lẽ vì thế mà địa danh này có tên Fertae Chuile, có nghĩa là “Đồi Tội lỗi” hay “Đồi Loạn luân”.

Bên trong lăng mộ Newgrange
Đây là nơi mà bình minh giữa mùa đông chiếu một luồng sáng rực rỡ vào sâu bên trong đến tận hốc đá chôn người đặc biệt.

Ireland thời kỳ đồ đá

Nghiên cứu các bộ gene của người Ireland cổ đại cũng cho thấy người đàn ông này được chôn ở khu lăng mộ Newgrange là họ hàng xa của người đàn ông được chôn ở lăng mộ thời đồ đá ở Carrowmore ở hạt Sligo, cách Newgrange khoảng 140km về phía Tây.

Những người được chôn ở hai lăng mộ này cũng có quan hệ huyết thống gần nhau hơn so với những người khác trong cộng đồng dân cư. Hóa phân tích xương của họ cũng cho thấy họ ăn nhiều thịt hơn so với những người khác sống cùng thời. Có vẻ đây là một nhóm người thân được hưởng những nghi thức chôn cất dành cho người quyền quý. Phong tục này được áp dụng ở nhiều nơi khác ở Ireland trong nhiều thế kỷ.

Các nhà nghiên cứu cũng so sánh những điểm tương đồng và khác biệt giữa cư dân thời kỳ đồ đá ở Ireland với các nhóm người bản địa trước thời đó thông qua hai đại diện là hai bộ xương thời kỳ đồ đá giữa đã nói đến ở trên. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định cho quan điểm rằng Ireland là nơi sinh sống của những chủ điền trang thời kỳ đồ đá cách đây khoảng 5.800 năm, những người này đến từ bán đảo Iberia và đã chiếm giữ đất đai của người bản địa chuyên sống bằng săn bắt hái lượm.

Nhưng có một người của thời kỳ đồ đá ở phía Tây Ireland lại mang gene của thổ dân săn bắt hái lượm. Điều này cho thấy người bản địa đã bị đồng hóa chứ không phải bị tiêu diệt.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng về gene của một trường hợp đầu tiên bị hội chứng down. Đây là một bé trai sơ sinh được chôn ở lăng mộ Poulnabrone ở hạt Clare, có niên đại hơn 5.500 năm. Phân tích một số đồng vị hóa học cho thấy đứa bé này được nuôi bằng sữa mẹ, được chôn cất theo nghi lễ cầu kỳ, vì thế có thể bé là một thành viên của gia đình cao quý.

Cập nhật: 22/06/2020 Theo Dân Trí
  • 1.318