Bước đột phá khảo cổ có thể làm sáng tỏ bí ẩn đắm tàu Hoàng gia 200 năm trước

  •  
  • 343

Các nhà nghiên cứu ở Riga đã rất xúc động khi tìm thấy phần còn lại của một con tàu đắm từ thế kỷ 19, nhiều khả năng đó là con tàu của Hải quân Hoàng gia Anh đã mất tích từ lâu.

 Các nhà khảo cổ đã tìm thấy xác con tàu 200 năm tuổi.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy xác con tàu 200 năm tuổi. (Ảnh: Freeport of Riga)

Người dân địa phương ở Latvia đã phát hiện một phần thân tàu nhô ra khỏi cát tại bãi biển Daugavgriva. Được tìm thấy chỉ cách thủ đô Latvia vài dặm, con tàu được cho là đã ẩn mình dưới lớp cát dày trong 200 năm. Sau khi khai quật, con tàu để lộ ra phần gỗ sồi được bảo quản rất tốt bên dưới.

Theo Freeport of Riga, con tàu có vẻ lớn hơn nhiều so với giả định ban đầu. Nhóm đăng trên Facebook: "Mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nhưng chúng tôi càng đào sâu, nó càng rõ ràng hơn – con tàu không giống như những gì chúng tôi đã dự đoán".

Với chiều cao khoảng 12m x 4m, phần lớn con tàu vẫn đang bị chôn vùi dưới cát. Do đó, các chuyên gia Latvia vẫn chưa thể xác định chính xác niên đại của con tàu đắm. Mặc dù vậy, kết cấu bằng gỗ sồi cho thấy nó có thể có niên đại từ 150 đến 200 năm tuổi.

Các đinh đồng được tìm thấy dọc theo thân tàu cũng có thể làm sáng tỏ danh tính của nó, theo phát ngôn viên của Ủy ban Di sản Văn hóa Quốc gia Latvia. Phương pháp mạ đồng đã được người Anh áp dụng vào những năm 1870 và 1880, điều này cho thấy con tàu đắm có từ thế kỷ 19.

Xác tàu được cho là có niên đại từ 150 đến 200 năm trước.
Xác tàu được cho là có niên đại từ 150 đến 200 năm trước. (Ảnh: Freeport of Riga)

Một manh mối khác được tìm thấy ở ngọn hải đăng Daugavgriva gần đó, được xây dựng vào giữa thế kỷ 19. Người phát ngôn cho biết: "Con tàu này có thể đã đi không chỉ qua Baltic và Biển Bắc mà còn trong các chuyến đi xa hơn đến những vùng nhiệt đới. Việc mạ đồng cho các bộ phận dưới nước của tàu được người Anh thực hiện vào cuối thế kỷ 18, như vậy xác tàu này có lẽ đã có từ thế kỷ 19".

Con tàu này rất có thể là một tàu chiến hoặc tàu buôn đường dài. Để xác định chính xác, các nhà nghiên cứu sẽ phải tiến hành đào sâu thêm, tuy nhiên việc này có nguy cơ làm hỏng xác tàu. Janis Meinert, một nhà khảo cổ học của Cơ quan Di sản Quốc gia, cho biết: "Việc tìm thấy một di tích lớn như vậy trên bờ biển là một sự kiện hiếm có và việc bảo tồn cũng như trưng bày nó là nhiệm vụ rất khó khăn".

Hiện tại, các nhà khảo cổ học sẽ bảo quản phần gỗ lộ thiên khỏi các yếu tố tác động từ môi trường. Bên cạnh đó, với những dữ liệu hiện có, các chuyên gia cũng sẽ tạo ra một mô hình 3D của thân tàu để tiến hành nghiên cứu.

Cập nhật: 19/10/2021 Theo Dân Việt
  • 343