Những con cá sấu bạch tạng được đánh giá là cực kỳ quý hiếm và các nhà khoa học ước tính chỉ có khoảng từ 100 đến 200 con cá sấu bạch tạng trên toàn thế giới.
Trước khi tìm hiểu về cá sấu bạch tạng, hãy cùng tìm hiểu về khái niệm bạch tạng trên động vật.
Bạch tạng (albinism) là một rối loạn di truyền khiến cơ thể người và các loài động vật không sản xuất đủ hoặc hoàn toàn thiếu melanin, là sắc tố chịu trách nhiệm tạo màu cho da, tóc, mắt ở người và động vật.
Người hoặc động vật bị mắc chứng bạch tạng thường có làn da rất trắng, tóc màu trắng hoặc vàng nhạt và mắt có thể có màu xanh nhạt, xám, hoặc hồng do thiếu melanin trong mống mắt.
Bạch tạng là một tình trạng di truyền lặn, nghĩa là cả cha và mẹ đều phải mang gen lặn bạch tạng thì con cái mới có nguy cơ mắc phải.
Các cá thể mắc chứng bạch tạng sẽ trở nên rất nổi bật trong thế giới tự nhiên, ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của chúng (Ảnh minh họa: Getty).
Bạch tạng không phải là một bệnh, mà là một dạng rối loạn di truyền. Đây là tình trạng không lây nhiễm và không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, bạch tạng có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như da rất nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Người và động vật bị bạch tạng có nguy cơ mắc các vấn đề về da, bao gồm ung thư da.
Người và động vật mắc bạch tạng cũng thường gặp các vấn đề về thị lực như nhạy cảm với ánh sáng, thị lực kém hoặc khó khăn trong việc tập trung nhìn vào thứ gì đó.
Với các loài động vật trong thế giới tự nhiên, việc mắc bạch tạng sẽ khiến chúng trở nên nổi bật, khó ẩn nấp khi săn mồi (với các loài động vật ăn thịt) hoặc khó ngụy trang, lẩn trốn (đối với các loài động vật bị ăn thịt). Do vậy, các cá thể bị mắc bạch tạng thường gặp nhiều khó khăn khi sinh tồn trong môi trường tự nhiên.
Bạch tạng là tình trạng hiếm gặp xảy ra trên con người và các loài động vật. Cá sấu cũng không ngoại lệ.
Cá sấu là một trong những loài cổ xưa nhất còn sống trên Trái đất, với dòng dõi có niên đại lên đến hơn 200 triệu năm. Hiện cá sấu được chia thành 3 họ chính, bao gồm Crocodylidae (cá sấu thật sự), Alligatoridae (cá sấu mõm ngắn và cá sấu caiman), và Gavialidae (cá sấu Ấn Độ hay còn gọi là cá sấu mõm dài).
Tất cả những loài cá sấu đều có khả năng sinh ra con non bị bạch tạng, nhưng tình trạng này rất hiếm gặp. Những con cá sấu bị mắc chứng bạch tạng nổi bật với làn da trắng toát và mắt hồng hoặc đỏ rực.
Cá sấu bạch tạng rất hiếm gặp, với tỷ lệ 1/50 triệu cá thể (Ảnh: Pinterest).
Tỷ lệ mắc bạch tạng ở cá sấu ước tính đạt 1/50 triệu cá thể, nghĩa là cứ khoảng 50 triệu con cá sấu chào đời trên thế giới chỉ có một con bị mắc chứng bạch tạng.
Các nhà khoa học ước tính hiện chỉ có khoảng 100 đến 200 cá thể mắc chứng bạch tạng trên toàn cầu, trong đó nhiều con đang sống trong môi trường nuôi nhốt.
Trong thế giới tự nhiên, cá sấu bạch tạng gặp nhiều khó khăn để sinh tồn vì chúng thiếu khả năng ngụy trang, dễ bị nhận thấy trong môi trường sống khiến chúng gặp khó khăn trong việc săn mồi. Bên cạnh đó, cá sấu bạch tạng cũng có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn vì chúng thiếu lớp bảo vệ melanin mà cá sấu bình thường có.
Vì vẻ ngoài độc đáo và hiếm có, cá sấu bạch tạng thường bị bắt và là hàng hóa buôn bán trong ngành kinh doanh thú cưng độc lạ.
Ngoài ra, da cá sấu bạch tạng cũng được sử dụng để chế tác những chiếc túi xách sang trọng và đắt tiền. Chẳng hạn chiếc túi xách Himalayan crocodile Birkin được chế tác từ da cá sấu bạch tạng của hãng thời trang xa xỉ Hermès có giá bán lên đến 432.000 USD, là một trong những chiếc túi xách đắt tiền nhất thế giới.
Chiếc túi Hermès Himalayan crocodile Birkin được chế tác từ da cá sấu bạch tạng có giá lên đến 432.000 USD (Ảnh: Hermès).
Được biết, đây là một trong những loại túi xách đắt giá và khó tìm nhất thế giới. Da của mỗi con cá sấu bạch tạng chỉ đủ để sản xuất 2 chiếc túi. Dĩ nhiên, bên cạnh điểm nhấn chính là da cá sấu bạch tạng, chiếc túi này còn được sở hữu phần khung và khóa kéo bằng vàng trắng, nạm 40 viên kim cương… khiến giá trị của nó bị đẩy lên cao.
Việc Hermès sử dụng da cá sấu bạch tạng quý hiếm để chế tác túi xách đã phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích từ các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, vì số lượng cá sấu bạch tạng trên thế giới không có quá nhiều.