Cá voi xanh cổ đại không hề hiền lành

  •  
  • 6.118

Hoá thạch cá voi xanh cổ đại
Hoá thạch cá voi xanh cổ đại. (Ảnh: AFP)
Một hoá thạch với hình dáng hung dữ và hàm răng sắc nhọn được tìm thấy ở Australia cho thấy tổ tiên của những con cá voi xanh ngày nay không hề là những "gã khổng lồ nhân từ".

Hoá thạch 25 triệu năm này thuộc về lứa đầu tiên của cá voi tấm sừng, bao gồm những con cá voi lưng gù hiện đại, cá voi minke và cá voi xanh kiếm ăn nhờ tấm sừng ở hàm - một tấm dẹt giống hình cái lược trong miệng dùng để lọc bỏ phù du dưới biển.

"Con cá voi kinh dị này không hề có tấm sừng", Erich Fitzgerald, tại Đại học Monash ở Australia, nói về con cá voi cổ đại thuộc dạng nhỏ có chiều dài 3,5 m. "Nó có răng và là một con vật ăn thịt hung dữ đã tóm gọn những con cá lớn, thậm chí là cá mập và những con cá voi khác".

Cá voi cổ đại có cặp mắt lớn để giúp săn mồi
Cá voi cổ đại có cặp mắt lớn để giúp săn mồi (Ảnh: BBC)
Hầu hết các nhà khoa học tin rằng cá voi tiến hoá tấm sừng hàm để ăn những con cá nhỏ và phù du, sau khi tách ra từ nhóm cá voi có răng khoảng 40 triệu năm trước. Cá voi có răng hiện đại bao gồm cá heo, cá voi săn thịt và cá nhà táng.

"Phát hiện mới đây đã viết lại bức tranh của sự tiến hoá cá voi tấm sừng", Fitzgerald nhận định. Hoá thạch được tìm thấy ở gần Jan Juc, một thị trấn ở đông nam Australia. Con vật có đôi mắt to và những chiếc răng sắc dài khoảng 3 cm, rõ ràng dùng để săn mồi.

Cá voi xanh có thể nặng tới 150 tấn và dài hơn 30 m, là những sinh vật to nhất từng tồn tại trên trái đất, to hơn cả khủng long. Cá voi tiến hoá từ động vật có vú sống trên đất liền, họ hàng gần nhất là hà mã.


(Ảnh: BBC)

M.T.

Theo Vnexpress, Reuters
  • 6.118