Các cụ tổ chúng ta cũng biết đùa?

  •  
  • 2.090

Các nhà khoa học đã tìm hiểu được rằng: những câu chuyện cười đầu tiên trong thế giới loài người ra đời cách đây khoảng 2 triệu năm về trước.

Nghiên cứu những hình vẽ hài hước trên hang động xưa kia cho thấy, người cổ đại có vẻ rất thích thú trêu đùa những người tàn tật, què quặt hay bị vấp váp; họ yêu thích những gì hơi thô kệch, ngớ ngẩn.

Bức "tranh vui" còn sót lại trên vách đá có ghi lại hình ảnh, miêu tả quá trình một người trong quần thể người cổ đại khi ấy bị vấp ngã, do vướng vào một hòn đá. Đây được coi là "sự bông đùa" cổ nhất được biết từ trước cho tới nay. Bức vẽ này có "tuổi thọ" vào khoảng 1,8 đến 2 triệu năm.

Rất thú vị khi biết rằng, bức vẽ trên cũng khiến người đương thời chúng ta phải bật cười.

Trên bức họa, từng động tác đều được miêu tả, từ lúc người đó đang đi tới lúc vấp ngã. Nó tựa như một thước phim hài ngắn mà chúng ta ngày nay hay bắt gặp trong các bộ phim hoạt hình, như "Tom and Jerry" chẳng hạn.

Tờ The Sun viết: các cụ tổ xa xưa của chúng ta cũng đã tìm tới những câu chuyện cười, tới sự hài hước như một cứu cánh, giúp họ thoát khỏi những căng thẳng, khó khăn hàng ngày. Những vấn đề "đau đầu" của người cổ đại vô cùng nhiều.

Thêm vào đó, các nhà khoa học cho biết, người cổ đại còn sử dụng những hình vẽ hài hước để thể hiện cảm xúc của mình cho đồng loại, khi mà lúc ấy, loài người chưa đủ khả năng để diễn tả bằng lời.

Cũng rất thú vị khi biết rằng, cách đây 4 triệu năm, loài người cổ đại đã có thể phát ra âm sắc, gợi nhớ tới cái gọi là "tiếng cười" ngày nay. Khi ấy, "tiếng cười" rất có thể giống với tiếng khò khè và hơi gầm gừ,- các nhà nghiên cứu phỏng định.

Và cách đây 2 triệu năm, "tiếng cười" theo đúng nghĩa ngày nay mới có thể có đủ điều kiện để xuất hiện, khi mà cơ mặt đã đủ tiến hóa. Lúc này, tiếng cười đã có thể coi như một kênh để truyền đạt và thể hiện cảm xúc.

Theo Tiền Phong
  • 2.090