Cách các thiên tài tư duy khác người bình thường như thế nào? (Phần 3)

  •  
  • 2.359

Những chiến lược tư duy nào đã giúp Alexander Fleming tìm ra penicillin cứu sống hàng triệu mạng người từ nấm mốc cách đây gần một thế kỷ, Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại và Thomas Edison chế ra máy ghi âm vào cuối thế kỷ 19? 

Mời bạn đọc đến với phần ba, cũng là phần cuối của loạt bài ba phần về các chiến lược tư duy đã tạo nên các thiên tài có nhiều đóng góp cho thế giới trên mọi lĩnh vực từ khoa học đến nghệ thuật. Loạt bài tổng hợp từ Creativity Post và nhiều nguồn khác.

Phần 3: Thiên tài là những người có thể sáng tạo giải pháp từ những mâu thuẫn, những sự khác biệt, những sự kiện bất ngờ

Sáng tạo từ những mâu thuẫn

Nhà vật lý kiêm triết gia David Bohm, một trong những nhà vật lý lý thuyết lớn nhất thế kỷ 20 cho rằng, các thiên tài có khả năng suy nghĩ khác biệt bởi vì họ có thể chịu đựng được sự có mặt đồng thời những điều mâu thuẫn, trái ngược nhau hay hai đề tài không tương thích nhau.

Sáng tạo từ những mâu thuẫn
Các thiên tài có khả năng suy nghĩ khác biệt bởi vì họ có thể chịu đựng được sự có mặt đồng thời những điều mâu thuẫn.

Trong cuốn sách The Emerging Goddess: The Creative Process in Art, Science and Other Fields (Nữ thần đang trỗi dậy: Quá trình sáng tạo trong Nghệ thuật, Khoa học và các lĩnh vực khác), tiến sĩ Albert Rothenberg, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về quá trình sáng tạo, đã xác định khả năng này có ở nhiều thiên tài như Einstein, Mozart, Edison, Pasteur, Joseph Conrad, Picasso.

Nhà vật lý Niels Bohr cho rằng, nếu bạn giữ các mặt đối lập cùng nhau, suy nghĩ của bạn sẽ ngưng lại và tâm trí bạn được chuyển lên một cấp độ mới. Sự ngừng suy nghĩ sẽ giúp cho trí thông minh nằm ngoài suy nghĩ bắt đầu hành động và tạo ra một hình thức mới. Suy nghĩ xoay quanh những điều trái ngược sẽ tạo điều kiện cho một quan điểm mới tự do trỗi dậy từ tâm trí bạn. Khả năng hình dung ánh sáng vừa là một phân tử vừa là sóng của Bohr đã đưa ông tới khái niệm nguyên lý bổ sung (principle of complementarity), một nguyên lý phổ quát chi phối các hạt lượng tử.

Nhà vật lý người Đan Mạch Niels Bohr (1865-1962) là cha đẻ của vật lý lượng tử. Những đóng góp của Bohr trong các lý thuyết về cấu trúc nguyên tử và vật lý lượng tử sơ khai đã giúp ông đạt giải Nobel vật lý năm 1922.

Nội dung nguyên lý bổ sung được ông nêu ra năm 1928 nói rằng, "Contraria non contradictoria sed complementa sunt" (nguyên bản tiếng Latin)-Trái ngược không phải là mâu thuẫn mà bổ sung cho nhau, có nghĩa là thực tại có những tính chất có vẻ trái ngược nhau, ví dụ như cách hành xử của các hạt lượng tử lúc thì là sóng lúc thì là hạt, hay đồng xu có lúc sấp và ngửa, nhưng các đặc tính này không mâu thuẫn nhau mà bổ sung cho nhau để tạo nên hiểu biết toàn diện về các hạt lượng tử. "Nguyên lý bổ sung của Bohr là khái niệm khoa học có tính cách mạng nhất của thế kỷ (20) và là trung tâm trong 50 năm tìm kiếm ý nghĩa đầy đủ về khái niệm lượng tử của Bohr", theo Physics Today số 16 tháng 1/1963.

Phát minh hệ thống thắp sáng đèn dân dụng của Thomas Edison là sự kết hợp việc nối dây trong mạch điện song song và điện trở cao trong các bóng đèn, hai điều mà các nhà tư tưởng truyền thống cho là không thể vì chúng đã được giả định là không tương thích với nhau. Bởi vì Edison có thể dung hòa được sự mâu thuẫn giữa hai thứ không tương thích nhau, ông có thể nhìn ra mối quan hệ đã dẫn ông tới phát minh đột phá của mình.

Liên kết những điều khác biệt

Triết gia Hy Lạp cổ đại nổi tiếng, ông tổ của logic hình thức, Aristotle, xem ẩn dụ là một dấu hiệu của thiên tài. Ông cho rằng, những cá nhân có năng lực nhận ra sự tương đồng giữa hai lĩnh vực tồn tại riêng biệt và liên kết chúng với nhau là những người có những năng khiếu đặc biệt. Nếu những thứ không giống nhau thật sự giống nhau theo một số cách thì có thể là chúng cũng giống nhau theo những cách khác.

Nhờ quan sát những điểm giống và khác giữa hoạt động bên trong của tai, sự chuyển động của màng nhĩ trên xương tai và sự chuyển động của màn điện thoại dày trên một thanh thép có nam châm, Alexander Graham Bell đã nghĩ ra chiếc điện thoại ngày nay.

Một ngày đầu tháng 6/1875, khi đang thử nghiệm gửi và nhận điện tín trên cùng một đường dây, Bell nghe thấy tiếng thép kêu leng keng trong phòng trợ lý Thomas Watson, người làm nhiệm vụ truyền điện tín cho ông nhận. Chạy sang phòng Watson, Bell nhận ra khi Watson giật thanh thép trong phòng anh (phòng truyền), dây thép khi rung ở trên nam châm sẽ tạo ra dòng điện biến thiên qua dây dẫn, làm cho thanh thép trong phòng ông (phòng nhận) cũng rung lên và ông nghe được tiếng thép kêu ở bên kia. Ngày hôm sau, Bell lặp lại thí nghiệm và có thể truyền một số âm thanh từ tầng trên xuống hai tầng dưới.

Gần một năm sau, ngày 10/3/1876, Bell và Watson thử nghiệm thành công thiết bị giúp ông nói chuyện với Watson khi hai người đang ở hai phòng khác nhau. Khi ông nói vào máy: "Watson, lại đây, tôi muốn thấy anh", Watson chạy đến và nói mình đã nghe và hiểu những gì Bell vừa nói.

Alexander Graham và chiếc điện thoại đầu tiên do ông sáng chế năm 1876.
Alexander Graham và chiếc điện thoại đầu tiên do ông sáng chế năm 1876.

Vào một ngày năm 1878, Thomas Edison đã chế ra máy ghi âm sau khi tìm ra sự tương đồng giữa một đường hầm đồ chơi và sự chuyển động của người giấy cùng các rung động âm thanh.

Một phiên bản máy ghi âm do Thomas Edison sáng chế.
Một phiên bản máy ghi âm do Thomas Edison sáng chế. (Ảnh: Thoughtco).

Mọt đào gỗ
Bằng cách quan sát mọt gỗ đào đường hầm trong gỗ qua các đường ống, người ta có thể thực hiện việc xây dựng dưới biển. (Ảnh: Hornet Photography).

Einstein đã nghĩ ra và giải thích được nhiều nguyên tắc khái quát nhờ hình dung được sự tương đồng giữa những hiện tượng xảy ra hàng ngày như chèo thuyền hay đứng ở trạm dừng khi xe lửa đi qua.

Tự chuẩn bị để nắm bắt cơ hội

Bất cứ khi nào chúng ta cố gắng làm điều gì đó và thất bại, chúng ta sẽ kết thúc bằng cách làm một điều gì khác. Phát biểu có vẻ đơn giản này chính là nguyên tắc đầu tiên của sự ngẫu nhiên sáng tạo. Chúng ta có thể tự hỏi mình vì sao chúng ta không làm được điều chúng ta dự định, và đây là điều hợp lý được kỳ vọng nên làm. Nhưng sự bất ngờ sáng tạo đặt ra một câu hỏi khác: Chúng ta đã làm được gì? Trả lời câu hỏi này theo một cách mới vượt lên các kỳ vọng là một hành động sáng tạo cơ bản.

Không phải may mắn mà chính quan điểm sáng tạo mới là điều quan trọng nhất trong sự sáng tạo. Alexander Fleming không phải là bác sĩ đầu tiên để ý nấm mốc được tạo thành từ vi khuẩn phơi cấy trong không khí khi nghiên cứu vi khuẩn gây chết người. Một bác sĩ kém tài hơn có thể sẽ coi thường kết quả có vẻ không liên quan đó nhưng với Fleming, điều đó "thú vị" và tự hỏi liệu nó có tiềm năng hay không. Quan sát "thú vị" đó đã dẫn dắt Fleming tìm ra penicillin, hoạt chất chống viêm nhiễm rất mạnh cứu sống hàng triệu người, vào năm 1928.

Alexander Fleming
Alexander Fleming. (Ảnh: Historic UK).

Khi đang suy nghĩ làm cách nào để tạo ra một sợi carbon làm dây tóc bóng đèn, Thomas Edison chơi với một mẩu bột đánh bóng cửa sổ, xoay nó và xoắn nó trong các ngón tay một cách lơ đãng. Khi nhìn xuống tay mình thì câu trả lời đã đập vào mắt ông: làm cho sợi carbon xoắn lại như dây thừng. Nhà tâm lý học lớn của Mỹ B. F. Skinner đã nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên của các nhà nghiên cứu phương pháp luận: khi bạn thấy một điều gì đó thú vị, hãy bỏ mọi thứ khác và nghiên cứu nó.

Quá nhiều người thất bại trong việc trả lời cú gõ cửa của cơ hội bởi vì họ còn phải hoàn thành một số kế hoạch đã định trước. Các thiên tài sáng tạo không chờ đợi những món quà ngẫu nhiên mà họ tìm kiếm sự khám phá bất ngờ một cách tích cực.

Kết luận

Nhận ra những chiến lược tư duy phổ biến của các thiên tài sáng tạo và áp dụng chúng sẽ giúp bạn sáng tạo hơn trong công việc và cuộc sống cá nhân. Các thiên tài sáng tạo là thiên tài vì họ biết suy nghĩ "như thế nào" chứ không phải biết suy nghĩ "cái gì".

Trong một nghiên cứu thú vị về những người đoạt giải Nobel đang sống ở Mỹ được xuất bản năm 1977, nhà xã hội học Harriet Zuckerman phát hiện ra là: các nhà vật lý lớn từng giành giải Nobel như Enrico Fermi (Ý) có 6 sinh viên đoạt giải, Ernst Lawrence (Mỹ) và Niels Bohr mỗi người có bốn. J. J. Thompson (Anh) và Ernest Rutherford (New Zealand) thì đào tạo được 17 người giành giải Nobel. Điều đó không phải là ngẫu nhiên. Rõ ràng là những người thắng giải Nobel đó không chỉ sáng tạo trong quyền lực của riêng họ mà còn có khả năng dạy người khác làm cách nào để suy nghĩ sáng tạo.

Cập nhật: 17/07/2019 Theo vnreview
  • 2.359