Cách giao tiếp độc đáo của cua dừa

  •  
  • 927

Trong lúc giao phối, cua dừa - động vật không xương sống lớn nhất thế giới trên đất liền, tạo ra những tiếng búng càng để tương tác.

Cua dừa giao tiếp với nhau bằng những tiếng búng càng. Các nhà khoa học phát hiện âm thanh búng càng của chúng đa dạng hơn nhiều so với dự đoán, bao gồm hàng loạt tín hiệu biểu thị mức độ giao tiếp phức tạp, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Zoology.

Cua dừa sinh sống trên các hòn đảo ở Thái Bình Dương
Cua dừa sinh sống trên các hòn đảo ở Thái Bình Dương. (Ảnh: Live Science).

Nặng 4 kg và có sải chân dài hơn một mét, cua dừa (Birgus latro) là loài giáp xác khổng lồ và động vật không xương sống lớn nhất thế giới trên đất liền. Chúng từng sinh sống phổ biến trên những hòn đảo ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng bị săn bắt tới mức tuyệt chủng ở nhiều nơi.

Trước đây, các nhà nghiên cứu không biết rõ cua dừa tạo ra âm thanh giống tiếng gõ bằng cách nào và tại sao. Trong nghiên cứu mới, họ chụp X quang những con cua dừa đang búng càng để khám phá nguồn gốc âm thanh. Họ cũng ghi âm kỹ thuật số tương tác giữa con đực và con cái để xem tiếng búng càng có liên quan tới hành vi giao phối hay không.

Trong thí nghiệm, cua dừa đực và cái búng càng trước, trong và sau khi giao phối. Âm thanh chúng tạo ra có sự khác biệt ở mỗi giai đoạn. Kết quả chụp X-quang hé lộ những con cua giao tiếp bằng cách làm rung vảy quạt nước, phần phụ giúp hút không khí vào phổi. Khi rung lên, bộ phận này đập vào vỏ cứng dưới mang cua, tạo ra tiếng gõ. Bằng cách thay đổi tốc độ rung, cua dừa có thể tạo ra nhiều âm thanh đa dạng về tần số và tiết tấu.

Ngoài cua dừa, chỉ có một loài giáp xác khác có thể tạo ra âm thanh bằng vảy quạt trước là tôm hùm đất (Procambarus clarkii) sống dưới nước. Dù nghiên cứu chỉ ghi âm tương tác giữa cua đực và cua cái đang động dục, loài vật còn dùng tiếng búng càng trong nhiều hoạt động khác ngoài ngoài giao phối, theo các nhà khoa học ở Trung tâm bảo tồn Okiawa Churashima.

Cập nhật: 27/02/2020 Theo VnExpress
  • 927