Carl Linnaeus là một bác sĩ và nhà sinh vật học người Thụy Điển sống trong thế kỷ 18. Ông đã sáng tạo ra một hệ thống phân loại sinh học cơ bản cho các loài động vật và thực vật, đặt nền móng cho hệ thống phân loại hiện đại của chúng ta ngày nay.
Linnaeus sử dụng danh pháp kép bao gồm chi (genus) và loài (species) để phân loại mọi loài sinh vật – từ nấm mốc, vi khuẩn cho đến voi và người. Hiện nay, ông chiếm một vị trí danh dự trong số các nhà sinh vật học trên thế giới, nhưng đối với những người không phải nhà khoa học, ông gần như là một nhân vật bị lãng quên.
Trái ngược với điều đó, Linnaeus là người rất nổi tiếng so với các đồng nghiệp đương thời. Ông được ca tụng khắp châu Âu như một trong những bộ óc vĩ đại nhất của lục địa này. Nhà thơ Đức nổi tiếng Goethe từng viết về Linnaeus: “Ngoại trừ Shakespeare và Spinoza, tôi không biết ai trong số những người không còn sống có thể ảnh hưởng đến tôi sâu sắc hơn ông”.
Carl Linnaeus (1707 - 1778). (Ảnh: DeAgostini).
Linnaeus sinh ra ở tỉnh Smaland thuộc khu vực phía Nam Thụy Điển vào năm 1707. Cha của ông là mục sư, đồng thời là một nhà thực vật học nghiệp dư, người đã giúp truyền tình yêu thiên nhiên cho con trai mình. Linnaeus đặc biệt yêu thích cây cỏ và hoa lá, vì vậy người cha đã cung cấp cho ông một mảnh đất riêng để xây dựng một khu vườn nhỏ. Theo cuốn sách “Lives of Eminent Zoologists” (Cuộc đời các nhà động vật học lỗi lạc) của tác giả William MacGillivray xuất bản năm 1834, Linnaeus đã dành phần lớn tuổi trẻ của mình trong khu vườn của gia đình, nơi ông đã trồng rất nhiều loại cây hoang dại được tìm thấy trong rừng, đầm lầy và trên những cánh đồng.
Năm 21 tuổi, Linnaeus theo học ngành thực vật học và y học tại Đại học Lund, nhưng chỉ một năm sau ông chuyển sang Đại học Uppsala, trung tâm đào tạo lâu đời và uy tín tại Thụy Điển. Khả năng chuyên môn của ông đã gây ấn tượng mạnh với các giáo sư đến nỗi ông được mời giảng dạy các lớp khi còn là một sinh viên chưa tốt nghiệp, và ông thường xuyên giảng về thực vật học. Trong suốt thời gian nghỉ hè, ông đã đi đến cực Bắc của bán đảo Scandinavia, đến vùng đất Lapland trong một chuyến thám hiểm kéo dài sáu tháng do Học viện Khoa học Uppsala tài trợ. Mục đích của chuyến đi là thu thập và ghi chép lại các loài thực vật, động vật, khoáng vật khác nhau.
“Linnaeus đã thu thập tổng cộng khoảng 400 loài thực vật. Nhiều loài trong số đó chưa từng được các nhà khoa học đương thời biết đến”, Karen Beil, tác giả cuốn sách "What Linnaeus Saw" (Những điều Linnaeus nhìn thấy) xuất bản năm 2019, cho biết.
Tất cả sinh viên y khoa Thụy Điển vào thời điểm đó được yêu cầu phải nhận bằng bên ngoài Thụy Điển, vì vậy Linnaeus đã hoàn thành chương trình học của mình tại Đại học Harderwijk ở Hà Lan vào năm 1735. Ông ở lại Hà Lan thêm ba năm để lấy bằng tiến sĩ y khoa. Luận án của ông liên quan đến bệnh sốt rét và nguyên nhân gây bệnh.
Sau đó, Linnaeus trở về Thụy Điển, kết hôn và mở phòng khám bệnh riêng. Ông là một trong số những người đã giúp thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Năm 1741, ông được bổ nhiệm làm giáo sư y khoa tại Đại học Uppsala, cuối cùng trở thành hiệu trưởng của trường vào năm 1750. Trong suốt nhiệm kỳ, ông chịu trách nhiệm duy trì Vườn Bách thảo của trường, một nhiệm vụ được ông thực hiện với sự tâm huyết. Ông đã sắp xếp các loài thực vật theo cách của riêng mình.
Linnaeus đã xuất bản một cuốn sách tiếng Latinh, góp phần cách mạng hóa lĩnh vực sinh học và phân loại khoa học thời bấy giờ. Tác phẩm này có tựa đề “Systema Naturae” (Hệ thống Tự nhiên). Cuốn sách đã đề cập một cách tiếp cận mới để sắp xếp và phân loại thực vật và động vật. Hệ thống của Linnaeus phân loại các loài theo thứ bậc, nghĩa là các sinh vật được gộp thành những nhóm lớn hơn liên tiếp dựa trên các đặc điểm hình thái.
Trang bìa của tác phẩm Systema Naturae xuất bản năm 1756. (Ảnh: CORBIS).
Ở cấp độ rộng nhất, hệ thống Linnaeus chia tự nhiên thành ba loại: động vật, thực vật và khoáng vật (sau đó tên gọi của các khoáng vật bị loại bỏ). Các danh mục này tiếp tục được chia nhỏ hơn nữa thành các yếu tố cụ thể hơn bao gồm: lớp (classes), bộ (orders), chi (genera) và loài (species).
Phương pháp phân loại khoa học trong thế kỷ 18 rất hỗn loạn. Thời điểm đó xuất hiện một số cách thức phân loại mẫu vật mới, chủ yếu đến từ các khu vực bên ngoài châu Âu vốn là tâm điểm của quá trình thực dân hóa. Những mẫu vật này được các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia xem xét kỹ lưỡng, mỗi người sử dụng phương pháp và thuật ngữ riêng. Do đó, chúng đôi khi có tên khác nhau, thường là bằng các ngôn ngữ khác nhau. Đa số những cái tên đều dài, phức tạp và khó sử dụng – về cơ bản là một danh sách dài các thuộc tính của sinh vật để nhận diện nó. Trong cuốn sách của mình, Beil đưa ra ví dụ về măng tây. Trước khi có hệ thống phân loại của Linnaeus, tên gọi của nó là “Asparagus caule inermi fruticoso, folis aciformibus perennantibus mucronatis termis aequalibus”.
Ở cấp độ cơ bản nhất, hệ thống phân loại của Linnaeus còn được gọi là “Danh pháp hai phần”. Ông đã kết hợp thuật ngữ chi (genus) và loài (species) để xác định từng sinh vật cụ thể một cách nhất quán. “Loài” là đơn vị phân loại thấp nhất, được định nghĩa là các sinh vật có khả năng giao phối với nhau. “Chi” là đơn vị xếp trên loài, bao gồm nhóm lớn hơn của các sinh vật có liên quan với nhau. Ví dụ, chó sói đồng cỏ (Canis latrans) là một loài khác với chó sói (Canis lupus), nhưng cả hai đều thuộc cùng một chi, Canis.
“Tác phẩm Systema Naturae trở thành hình mẫu để các nhà khoa học trên thế giới phân loại các loài trong tự nhiên. Linnaeus đã tiếp tục sửa đổi và mở rộng nó trong suốt phần đời còn lại. Tác phẩm chỉ có 11 trang trong lần xuất bản đầu tiên, sau đó tăng lên 2000 trang”, Beil cho biết. “Linnaeus cũng đã thực hiện một số thay đổi, chẳng hạn như thay đổi phân loại cá voi từ cá sang động vật có vú trong ấn bản thứ 10, được xuất bản vào năm 1758. Tổng cộng Linnaeus đã phân loại khoảng 7.700 thực vật và 4.400 động vật trong suốt cuộc đời”.
Ngày nay, Systema Naturae được công nhận là một trong những công trình khoa học quan trọng nhất của nền văn minh phương Tây. Các nguyên tắc phân loại trong tác phẩm này là cơ sở cho hệ thống phân loại hiện đại của chúng ta ngày nay. Ngoài Systema Naturae, Linnaeus cũng viết một số cuốn sách nổi tiếng khác bao gồm “Philosophia Botanica” và “Species Plantarum” – những tác phẩm được nhiều người đánh giá là luận thuyết ban đầu quan trọng nhất về danh pháp thực vật.