Chờ kinh phí, nhiều di tích cổ đang biến mất

  •  
  • 166

Năm 2003, Viện Khảo cổ phát hiện gần 20 di tích dưới lòng hồ thuỷ điện Plei Krông (Kon Tum). Song 3 năm sau, Viện mới được cấp kinh phí để khai quật, di dời những di vật ở đây. Khi ấy, 1/4 số di tích đã bị huỷ hoại do lũ lụt, ngâm nước lâu ngày, sạt lở bờ vách...

Một số di vật tìm thấy tại di tích lòng hồ thủy điện Plei Krông (Kon Tum). (Ảnh: VTC)

Theo tiến sĩ Hà Văn Phùng, Viện trưởng Khảo cổ học Việt Nam, Luật Di sản văn hóa và các Nghị định của Chính phủ đã bước đầu tạo hành lang pháp lý cho ngành khảo cổ học, song vẫn còn những điều bất cập trong quá trình thực thi. Thực tế, nhiều di tích, di vật đã bị phá huỷ, mất đi một cách vĩnh viễn trong thời gian chờ đợi làm sáng tỏ những ngôn từ trong luật hay nghị định. Và hồ thuỷ điện Plei-Krông chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ.

Ông Phùng cho biết, sau khi dự án khai quật khu di chỉ ở lòng hồ thủy điện Plei Krông được phê duyệt năm 2003, Viện Khảo cổ đưa vấn đề kinh phí ra thì đơn vị chủ dự án là Tổng công ty Điện lực Việt Nam lý luận rằng, Nghị định Luật Di sản văn hoá quy định các công trình xây dựng không phải bằng vốn Nhà nước thì chủ đầu tư không phải cấp kinh phí mà là Bộ Tài chính.

Đáp lại, Bộ Tài chính có công văn giải thích: "Tuy có huy động vốn trong nước và vay của nước ngoài, nhưng vẫn thuộc khái niệm vốn nhà nước". Và chỉ đến khi có ý kiến của Văn phòng Chính phủ thì vụ việc mới được giải quyết.

Hay trường hợp gần đây là lòng hồ Thuỷ điện An Khê - Knák thuộc lưu vực sông Ba của tỉnh Gia Lai- Bình Định. Địa điểm này nằm trong vùng có vết tích văn hóa tiền sử, đặc biệt là di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo đã được Nhà nước xếp hạng. Theo Luật Di sản thì các công trình xây dựng ở khu vực nghi có di sản sẽ phải khảo sát và khai quật trước. Và cũng theo luật, đơn vị chủ đầu tư là Tổng công ty điện lực Việt Nam sẽ cấp kinh phí cho khảo cổ.

Điều 20 Nghị định 92 Luật Di sản văn hóa:

1- Đối với công trình xây dựng bằng vốn Nhà nước thì kinh phí thăm dò, khai quật được tính vào tổng vốn đầu tư của công trình đó.

2- Đối với công trình xây dựng không phải bằng vốn của Nhà nước thì kinh phí thăm dò khai quật được Nhà nước cấp.

Thế nhưng, Tổng công ty điện lực lý luận rằng vốn công trình của họ là huy động từ nhiều nguồn chứ không chỉ có vốn ngân sách Nhà nước, do đó họ không có trách nhiệm phải bỏ tiền ra cho việc khảo sát và khai quật tại An Khê - Knák. Và phải mất 2 năm giằng co với bao nhiêu văn bản qua lại giữa các đơn vị có liên quan, dự án khai quật mới được cấp kinh phí. Hậu quả đau lòng của sự dùng dằng này là một phần tư di chỉ bị hủy hoại do nước ngập.

Công trình thuỷ điện Tuyên Quang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vùng ngập của công trình này thuộc phạm vi 12 xã và 1 thị trấn thuộc 3 tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn. Sau nhiều năm các cơ quan chức năng đề xuất, kiến nghị, chủ đầu tư mới tạm cấp kinh phí cho cuộc điều tra 4 xã gần phía chân đập. Và kết quả khai quật đã đem lại những kết quả bất ngờ: Lần đầu tiên tìm được một ngôi mộ của người thuộc văn hoá Hoà Bình cách nay hàng chục nghìn năm, có 2 con ốc "tiền" đặt trong hốc mắt tử thi, lần đầu tiên thấy ở Việt Nam và có thể cả Đông Nam Á. Tuy nhiên, 8 xã còn lại vẫn ngập chìm trong nước mà trong đó, một số nơi trước đây đã phát hiện những khu mộ Tày cổ. Còn bia và nhiều di vật rất có giá trị ở Thuý Loa, Yên Hoa, Đà Vị... (Tuyên Quang), Na Mẫu (Hà Giang) cũng chịu chung số phận.

"Sắp tới đây, số phận của hơn 41 di tích khảo cổ trong lòng hồ thuỷ điện Sơn La được Viện Khảo cổ học phát hiện gần 10 năm trước sẽ ra sao nếu vẫn tồn tại tình trạng trên", ông Phùng lo lắng. 

Ông Phùng cho biết, 41 di tích ở Sơn La đã được phát hiện từ năm 1998. Nhiều di tích có giá trị lịch sử cao như bia Lê Lợi ở thị xã Lai Châu, bia Cà Nàng ở Quỳnh Nhai, chạm đá cổ Pá Mang ở Thuận Châu, dinh thự Đèo Văn Long ở thị xã Lai Châu, cây đa cách mạng ở Pắc Mai...

Nhưng đến nay, các dự án khai quật, bảo tồn vẫn dậm chân tại chỗ vì chưa có tiền và chưa biết ai chủ chi. Nay, Viện Khảo cổ học muốn xin cấp kinh phí để thẩm định lại số di tích trên vì qua gần 10 năm chưa biết cái nào còn, cái nào mất. Ban quản lý dự án Thuỷ điện Sơn La đã hứa xem xét giải quyết từ nửa tháng trước nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh.

Minh Thùy

Theo Vnexpress
  • 166