Chúng ta tiến hóa để uống rượu ít hơn?

  •  
  • 531

Nhiều đột biến gene đã xuất hiện trong cơ thể con người khiến khả năng uống rượu giảm dần trong vòng 2.000-3.000 năm và giảm hẳn nguy cơ nghiện rượu.

Nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature Communications đã tìm ra sự thay đổi tinh vi của các gene liên quan đến 2 enzyme chuyển hóa rượu ADH1B và ALDH2, là những enzyme quyết định tửu lượng.

Công trình do Trung tâm Khoa học Y khoa tích hợp Riken (Nhật Bản) phối hợp với một số cơ sở khác tại quốc gia này thực hiện, phân tích chi tiết bộ gene của 2.200 người Nhật và tìm ra những thay đổi đã xuất hiện dần dần qua 100 thế hệ.

Chúng ta đang tiến hóa để thoát khỏi cảnh nghiện rượu?
Chúng ta đang tiến hóa để thoát khỏi cảnh nghiện rượu? - (ảnh minh họa từ Internet).

Có tới 75% tình nguyện viên sở hữu enzyme ADH1B hoạt động kém và 25% có enzyme ALDH2 bị suy yếu tương tự. Đáng nói, không phải vốn dĩ người Nhật có các gene này kém hoạt động đến thế. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng trong cộng đồng tồn tại các đột biến di truyền làm suy yếu 2 enzyme này. Các đột biến này truyền trực tiếp cho đời con khiến sau mỗi thế hệ, khả năng chuyển hóa rượu giảm đi một chút.

Khả năng chuyển hóa rượu kém dẫn đến hiện tượng mau say khi uống rượu: dễ đỏ mặt, chóng mặt, buồn nôn…, nói nôm na là tửu lượng của các thế hệ sau kém dần đi. Chính những cảm giác khó chịu này ngăn người uống rượu tiêu thụ quá nhiều.

Nhiều người không muốn bị nói là tửu lượng kém, theo kiểu văn hóa Á Đông. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, chính điều này đem đến một thế hệ khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ bệnh tật, chết sớm và các hậu quả khác do nghiện rượu gây ra. Người có tửu lượng kém khó nghiện rượu bởi họ không thể vượt qua nổi cảm giác khó chịu do say rượu.

Nhiều nhà nghiên cứu từ các nước Âu – Mỹ, nơi mà các yếu tố chủng tộc và di truyền cho phép người ta uống rượu ít bị say hơn, đang xem các gene "mau say" của người Á Đông như chiếc chìa khóa vàng giúp giải quyết những ca nghiện rượu đang là gánh nặng sức khỏe lớn ở quốc gia họ.

Giáo sư Yukinori Okada - chuyên gia về thống kê di truyền tại Trường Y khoa thuộc Đại học Osaka, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, sự thay đổi về khả năng uống rượu là một quá trình chọn lọc di truyền khi con người tiến hóa. "Một ví dụ tương tự là sự tiến hóa tập hợp gene liên quan đến tế bào hồng cầu ở người châu Phi từng được tìm ra, giúp họ cải thiện khả năng miễn dịch trước bệnh sốt rét" – ông phân tích.

Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng công trình tuy có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều viện, trường nhưng những tình nguyện viên chỉ gói gọn trong lãnh thổ Nhật Bản. Cần có thêm các nghiên cứu khác ở các chủng tộc khác để tìm xem liệu ở các quốc gia khác, quá trình tiến hóa giúp con người bớt lệ thuộc rượu có xảy ra hay không.

Cập nhật: 02/05/2018 Theo NLĐ
  • 531