Chuột chào đời từ tinh trùng đông lạnh trên trạm ISS

  •  
  • 186

Tinh trùng chuột đông lạnh nhiều tháng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) được đưa trở về Trái Đất và thụ tinh thành công với trứng, cho ra đời con non khỏe mạnh.

Những con chuột non chào đời từ thí nghiệm kéo dài 6 năm
Những con chuột non chào đời từ thí nghiệm kéo dài 6 năm. Ảnh: Teruhiko Wakayama/Đại học Yamanashi.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản muốn biết bức xạ vũ trụ tác động như thế nào tới khả năng sinh sản ở động vật có vú trong báo cáo công bố hôm 11/6 trên tạp chí Science Advances. Bức xạ có thể phá hủy ADN trong tế bào, gây đột biến. Môi trường trên Trái Đất với lượng bức xạ cao có thể gây khuyết tật ở con non của động vật.

Bức xạ vũ trụ là mối quan tâm lớn của Mỹ và Nhật Bản, những nước đã đưa nhiều phi hành gia lên quỹ đạo thấp của Trái Đất trong nhiệm vụ dài ngày. Họ cũng đang hướng tới điểm đến xa hơn trong không gian. NASA và các cơ quan vũ trụ khác đang phát triển hệ thống có thể hỗ trợ con người trong hành trình nhiều tháng tới những điểm đến như Mặt Trăng và sao Hỏa trong hệ Mặt Trời.

Nghiên cứu trước đây không thể mô phỏng điều kiện bức xạ vũ trụ trên Trái Đất, vì vậy các nhà khoa học đưa thí nghiệm của họ vào không gian. Nhóm nghiên cứu đông lạnh mẫu vật tinh trùng từ 12 con chuột nhắt và niêm phong trong hộp chứa nhỏ siêu nhẹ.

Kiện hàng được vận chuyển tới trạm ISS và lưu trữ trong những khoảng thời gian khác nhau. Mẫu vật được chia thành ba phần và đưa về Trái Đất lần lượt sau 9 tháng, 2 năm 9 tháng và 5 năm 10 tháng.

Sau khi thu hồi mẫu vật, nhóm nghiên cứu xác định lượng bức xạ mà mẫu vật hấp thụ bằng cách giải trình tự ARN. Họ nhận thấy chuyến bay tới ISS không gây tổn thương ADN ở nhân tế bào tinh trùng. Các nhà nghiên cứu cấp nước cho tinh trùng, sau đó bơm vào trứng lấy ở tử cung chuột và cấy vào chuột cái. Chuột cái mang thai và đẻ ra những con non khỏe mạnh, không bị khuyết tật.

Cập nhật: 12/06/2021 VnExpress
  • 186