Con người sẽ phải hợp nhất với robot nếu muốn sống trên sao Hỏa?

  •  
  • 483

Sao Hỏa - hành tinh thứ tư tính từ Mặt trời - được các nhà khoa học NASA và SpaceX dày công nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua, mục tiêu biến nơi đây thành một Trái đất thứ 2 trong tương lai.

Nếu biến con người thành "nửa người nửa máy" có thể giải quyết được nhiều thách thức
Nếu biến con người thành "nửa người nửa máy" có thể giải quyết được nhiều thách thức phải đối mặt khi sống trên sao Hỏa, theo nhà thiên văn học nổi tiếng người Anh Lord Martin Rees - (Ảnh: Shutterstock)

Nhưng vượt qua không gian để chạm vào bề mặt sao Hỏa là một chuyện, vượt qua khó khăn để sống được trên hành tinh Đỏ lại là một thách thức lớn khác.

Theo ông Lord Martin Rees - nhà thiên văn học nổi tiếng người Anh, để vượt qua những khó khăn về trọng lực, khí hậu, nước uống và tồn tại được trên sao Hỏa, một giải pháp được đưa ra là biến con người thành "nửa người nửa robot".

Việc biến con người thành "nửa người nửa robot" liên quan đến những vấn đề khó khăn mà con người phải đối mặt khi sống trên sao Hỏa.

Trước hết là vấn đề làm sao để sống sót trong môi trường không trọng lực. 

Các nghiên cứu của NASA trước đây đã chỉ ra rằng việc chuyển đổi từ trường trọng lực này sang trường trọng lực khác có thể ảnh hưởng đến định hướng không gian, sự phối hợp giữa mắt và não bộ, sự cân bằng và khả năng vận động.

Các phi hành gia cũng trải qua những thay đổi xương và cơ trong không gian. Máu trong cơ thể di chuyển lên đầu theo hướng vi trọng lực, có thể gây áp lực lên mắt và gây ra các vấn đề về thị lực.

Sao Hỏa
Sao Hỏa là đối tượng nghiên cứu quan trọng của các nhà khoa học vũ trụ, với mục tiêu biến nơi này thành Trái đất thứ 2 - (Ảnh: Getty)

Nếu các biện pháp phòng ngừa hoặc đối phó không được thực hiện, phi hành gia có thể bị tăng nguy cơ phát triển bệnh sỏi thận do mất nước và tăng bài tiết canxi từ xương của họ.

NASA đang xem xét một số cách để giữ cho các phi hành gia khỏe mạnh trong các sứ mệnh tới sao Hỏa, bao gồm các thiết bị trọng lực nhân tạo và bệ rung để giúp tái tạo xương và cơ.

Việc trở thành người máy có thể có lợi trong việc giúp chống lại tác động của vi trọng lực lên cơ thể con người. Chẳng hạn như con người có thể được gắn lá phổi bằng sắt hoặc thép dưới da để bảo vệ các cơ quan mềm của chúng ta và giúp chúng ta đàn hồi hơn dưới tác động của vi trọng lực.

Tiếp theo là vấn đề thích nghi với khí hậu sao Hỏa. 

Trên hành tinh Đỏ, nhiệt độ có thể xuống thấp tới -128°C. Nhiệt độ thấp nhất trên Trái đất là -88°C. NASA đã thiết kế được những trang phục chuyên dụng, giúp nhà khoa học chịu được nhiệt độ lạnh - 156°C và mức nhiệt nóng tới 121°C. Nhưng nếu "người robot" có thể có công nghệ tương tự được cấy vào cơ thể thì chi phí rẻ hơn và ít tiêu tốn vật dụng cũng như diện tích trên tàu vũ trụ hơn.

Vấn đề hô hấp và ăn uống trên sao Hỏa cũng sẽ được giải quyết nếu con người trở thành robot.

Bầu khí quyển của sao Hỏa cực kỳ mỏng và chủ yếu là carbon dioxide, chiếm 96% không khí. Đối với con người trên Trái đất, đó là một loại khí độc ở nồng độ cao. Điều này có nghĩa là nếu một người cố gắng hít thở trên sao Hỏa mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào, họ sẽ ngay lập tức bị chết ngạt.

Bộ đồ vũ trụ của NASA hiện nay được trang bị hệ thống lọc khí để đảm bảo điều này không xảy ra. Nhưng cũng giống như việc sống sót qua nhiệt độ lạnh giá, trở thành một người máy với các hệ thống máy móc lọc khí bên dưới lớp da có thể giúp các phi hành gia thở dễ dàng hơn trên sao Hỏa mà không cần sự trợ giúp.

Ngoài ra, người robot sẽ ít phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ lương thực thực phẩm. Điều này đặc biệt ý nghĩa vì sao Hỏa không có nước, khí hậu khắc nghiệt không thích hợp cho việc canh tác nông nghiệp.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực vũ trụ học và vật lý thiên văn, ông Lord Martin Rees cho biết rằng việc hợp nhất con người và robot không phải là ý tưởng điên rồ, mà hoàn toàn là một trong những giải pháp tốt nhất để giúp con người tồn tại trên sao Hỏa.

Những nhà thám hiểm sao Hỏa sẽ sử dụng các thiết bị kỹ thuật cấy ghép trong cơ thể để điều chỉnh bản thân. Họ có thể biến thành một "loài hoàn toàn khác trong vòng hai thế hệ sống trên sao Hỏa".

Và nếu một ngày nào đó con người có thể biến mình thành robot, chúng ta sẽ trở thành gần như bất tử. Khi đó, con người sẽ có thể thực hiện một chuyến du hành giữa các vì sao có khoảng cách xa hơn và ngủ đông hàng thiên niên kỷ.

Cập nhật: 02/06/2022 Tuổi Trẻ
  • 483