Củ riềng: Vị thuốc quý giúp phòng ngừa ung thư, giảm đau dạ dày và chống viêm

Lợi ích của củ riềng
  •  
  • 196

Không chỉ dùng để làm tăng hương vị và mùi thơm cho các món ăn, củ riềng cũng được xem như là một loại dược liệu chữa nhiều bệnh trong đông y. Trong y học hiện đại, tinh chất riềng cũng được nghiên cứu sử dụng để chữa bệnh.

Vị thuốc quý mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội, cho biết chúng ta thường dùng riềng để làm tăng hương vị và mùi thơm cho các món ăn, nhưng chưa biết củ riềng là vị thuốc quý, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Củ riềng vừa để chế biến món ăn vừa là vị thuốc độc đáo chữa nhiều bệnh
Củ riềng vừa để chế biến món ăn vừa là vị thuốc độc đáo chữa nhiều bệnh - (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Thái phân tích, củ riềng còn được gọi là gừng Thái, là gia vị thường được sử dụng trong y học cổ truyền trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Thái Lan và Indonesia.

  • Giàu chất chống oxy hóa: Trong riềng giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ, chống lại nhiễm trùng.
  • Củ riềng giàu quercetin, một flavonoid (sắc tố thực vật) có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson. Nó cũng giàu axit gallic - chất chống oxy hóa có thể chống viêm.
  • Có thể làm giảm đau và viêm: Củ riềng có thể làm giảm đau và viêm bằng cách nhắm vào các con đường hóa học thường gây ra các rối loạn tự miễn dịch. Một số nghiên cứu cho thấy một số hợp chất trong củ riềng có thể làm giảm các triệu chứng viêm.
  • Kháng khuẩn: Trong nghiên cứu đặc tính kháng khuẩn của riềng của Tomoko Suzuki và các cộng sự cho rằng các loại tinh dầu từ củ riềng có thể loại bỏ vi khuẩn, nấm men, và ký sinh trùng nhờ vào chất terpinen-4-ol, một loại chất có tính kháng khuẩn mạnh.
  • Phòng ngừa ung thư: Các nhà nghiên cứu tin rằng chất chống oxy hóa galangin trong củ riềng có thể giúp tiêu diệt tế bào khối u và ngăn ngừa tế bào ung thư lây lan.

Một nghiên cứu cho thấy galangin, quercetin và các hợp chất chống oxy hóa khác có thể giúp ngăn ngừa một số loại ung thư, bao gồm ung thư dạ dày, cổ tử cung và gan.

  • Hạn chế lão hóa da: Trong một nghiên cứu được công bố trên Costerics and Toilettries, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng chiết xuất của riềng giúp làm tăng sản sinh axit hyaluronic, một chất có tác dụng dưỡng ẩm, hạn chế nếp nhăn.Kết quả là những người tham gia nghiên cứu có sự thay đổi rõ rệt như gia tăng độ đàn hồi và trở nên rạng rỡ hơn.

Ngoài ra, chiết xuất riềng cũng giúp làm giảm các bệnh về da như chàm, bỏng ngứa và nấm, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường type 2, bảo vệ chức năng của não và giúp ngăn ngừa mất trí nhớ và làm tăng khả năng giường chiếu, kích thích sản sinh tinh trùng.

Cá kho riềng
Cá kho riềng mang lại hương vị độc đáo - (Ảnh minh họa).

Chữa đau dạ dày và nhiều bệnh

Lương y Nguyễn Hữu Toàn, Hội Đông y Hải Phòng, cho biết củ riềng, y học cổ truyền gọi là Cao lương khương, Lương khương.

Riềng là một cây thuộc họ gừng, thường dùng phần củ, hạt và lá. Củ riềng được hình thành do rễ riềng phình to, khi còn non sẽ có màu đỏ nâu đến khi già ngả sang màu vàng nhạt.

Lớp vỏ ngoài khá dày cứng, có nhiều mắt được chia thành nhiều đốt với kích thước không đồng đều bao bọc phần thịt ruột thường có màu trắng hoặc hơi vàng, rất thơm, vị cay nóng và có nhiều sợi xơ.

Vị thuốc củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, quy kinh: tỳ, vị, có tác dụng lợi tiêu hóa, giảm đau, tán hàn, được y học cổ truyền ứng dụng vào chữa nhiều bệnh:

  • Ðau thượng vị, loét tá tràng, đau dạ dày mạn tính: Củ riềng, hương phụ mỗi vị 60g, tán nhỏ thành bột, luyện viên, ngày dùng 9g, chia 3 lần.
  • Đau dạ dày do hư hàn: Những người bệnh gặp phải chứng đau dạ dày do hư hàn thường có những biểu hiện như đau bụng (nhất là khi trời lạnh hay đói), cảm giác đầy bụng, nôn, đại tiện lỏng, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng…

Dùng bài thuốc: củ riềng, hương phụ mỗi vị 6-10g; bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g; ô dược 9-12g; đinh hương 6-9g; sa nhân 3-6g. Tất cả đem sắc uống ngày 1 thang.

  • Đau dạ dày cấp: Củ riềng, thanh bì, trần bì, mộc hương, thạch xương bồ mỗi vị 6g; đinh hương 4g; sơn tra 15g. Bài thuốc sắc uống ngày một thang có tác dụng khắc phục các triệu chứng như đau bụng, nôn, chán ăn.

Hoặc dùng củ riềng, cam thảo chích, tô mộc mỗi thứ 10g kết hợp với bạch thược sao 30g và bạch chỉ 15g. Tất cả các vị thuốc đem tán bột, pha với nước đun sôi để uống hoặc đem sắc uống ngày một thang.

Tác dụng: làm giảm các triệu chứng đau bụng, chân tay lạnh, trướng bụng,… do đau dạ dày.

  • Đau lạnh vùng dạ dày, ăn không tiêu: Thực tế cách chữa trị cho các ca bị đau bụng do uống nước đá, ăn đồ lạnh gây đau quặn bụng, mặt mũi xanh nhạt, toàn thân mồ hôi ra nhiều, mạch tay trầm khó bắt, tay chân lạnh như sau: Dùng 2 củ riềng lớn, khoảng 40g, cạo bỏ vỏ, giã nát, hòa với nước âm ấm, được 1 chén ăn cơm, múc từng thìa canh cho uống dần.

Uống khoảng 10 thìa, bụng sẽ dễ chịu và nằm yên, tay không cần ôm chặt bụng nữa. Nghỉ khoảng 10 phút lại cho uống tiếp hết hơn nửa chén, nghỉ ngơi khoảng 30 phút đến 1 tiếng sẽ hết.

  • Nôn mửa: Củ riềng, bán hạ, gừng, mỗi vị 10g, sắc nước uống. Nếu nôn mửa có đau bụng, dùng 8g củ riềng với 1 quả táo sắc nước uống 2-3 lần trong ngày.
  • Sốt rét, kém tiêu hóa: Củ riềng tẩm dầu vừng sao 40g. Gừng khô nướng 40g tán nhỏ, hòa mật lợn làm thành viên bằng hạt ngô, dùng uống ngày 15-20 viên.

Hoặc bột củ riềng 300g, bột quế khô, bột thảo quả mỗi thứ 100g, tất cả đem trộn với mật làm viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng 15 viên trước khi lên cơn.

  • Lang ben: Củ riềng giã nát ngâm rượu hoặc giấm bôi.
  • Hắc lào: Củ riềng già 100g, giã nhỏ, ngâm với 200ml rượu hoặc cồn 70 độ. Chiết ra dùng dần, khi dùng bôi dung dịch cồn nói trên vào chỗ tổn thương, ngày bôi 2 - 3 lần.
  • Ho, viêm họng, tiêu hóa kém: Củ riềng thái lát mỏng, đem muối chua, khi dùng có thể ngậm với vài hạt muối hoặc nhai nuốt dần.
  • Phong thấp: Củ riềng, vỏ quýt, hạt tía tô mỗi vị 60g, sấy khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g, có thể pha với một chén nước sôi để nguội hoặc rượu, uống ngày 2 lần. Dùng trong 5 - 7 ngày.
  • Thuốc xoa bóp xương khớp: Phơi khô và thái nhỏ 20g riềng,16g thiên niên kiện, 24g quế, 20g thạch xương bồ, 16g trần bì. Sau đó đổ ngập rượu vào ngâm trong 10 ngày.

Khi sử dụng lấy bông nhúng vào thuốc sau đó xoa lên chỗ đau, kết hợp day bấm nhẹ. Thuốc này có thể dùng khi bị đau xương, trật ngã, sưng đau khớp, đau nhức cục bộ.

Một nghiên cứu trên động vật đã cho thấy khi dùng củ riềng với liều 2.000mg/kg trọng lượng cơ thể có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như đi tiểu nhiều, tiêu chảy, mất khẩu vị, giảm năng lượng, hôn mê và thậm chí là tử vong.

Những tác dụng phụ trên không xuất hiện nếu dùng với liều lượng nhỏ hơn 300mg/kg trọng lượng cơ thể.

Cập nhật: 13/09/2024 Tuổi Trẻ
  • 196