Tại sông Adams ở British Columbia, cứ 4 năm một lần lại xuất hiện cuộc hành hương của hàng triệu con cá hồi đỏ trở về nơi chúng được sinh ra.
>>> Bí ẩn thiên nhiên: di cư kỷ lục 8 triệu cá hồi
Cá hồi đỏ được xem là một trong số các loài có tập tính sống kỳ lạ và bí ẩn nhất trong thế giới động vật. Chúng sống được ở các môi trường nước khác nhau như ngọt, lợ và mặn. Loài cá này bơi ngược sông để sinh sản, sau đó lại được tìm thấy ở bắc Thái Bình Dương và các con sông quanh đó. Một con cá hồi đỏ có thể phát triển tới độ dài 60-84cm, cân nặng khoảng 2,3-7kg.
Cá hồi đỏ là loài có tập tính sống kỳ lạ và bí hiểm nhất trên thế giới. (Ảnh: Jonathan Hayward)
Cá con mới ra đời sẽ sống trong môi trường nước ngọt đến lúc đủ khả năng để di cư và sinh sống ở đại dương rộng lớn, nơi cách xa vị trí sinh sản tới 1.600km. Chúng di cư trong khoảng 1-4 năm và sống ở môi trường nước mặn.
Thời gian này, thức ăn chủ yếu của chúng là các sinh vật phù du. Sau đó, đàn cá lại quay về đẻ trứng ở nơi đã được sinh ra. Các nhà khoa học cho rằng cá hồi đỏ có thể định hướng vị trí cũ bằng cách sử dụng mùi đặc trưng của dòng sông, cũng có thể nhờ vào mặt trời.
Đến hẹn lại lên, sau 4 năm, hàng triệu con cá hồi đỏ trở về sông Adams - British Columbia (Canada) để sinh sản và bắt đầu một vòng tuần hoàn mới. Từ tháng 8, đàn cá rục rịch kéo về, thời gian cao điểm là khoảng cuối tháng 10.
Về sông Adams, cơ thể cá hồi chuyển màu đỏ tươi hơn và đầu có màu xanh lục. (Ảnh: Jonathan Hayward)
Trong điều kiện nước chảy xiết và không có thức ăn, cá hồi đỏ sau khi đẻ trứng đã chết vì kiệt sức. Khi về môi trường nước ngọt ở sông Adams, thân cá chuyển dần sang màu đỏ, đầu cá lại có màu xanh lục.
Cảnh tượng con sông được nhuộm đỏ bởi cá hồi đã thu hút rất nhiều người đến xem. Ước tính hơn 200.000 người đến đây chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này vào ba tuần cuối tháng 10 vừa qua. Đây cũng là thời điểm người dân địa phương tổ chức lễ hội Cá hồi đỏ 2014 ở công viên Roderick Haig Brown, ngay cạnh sông Adams.
Những con cá hồi đỏ chết sau khi sinh sản ở sông Adams. (Ảnh: Gunter Marx)
Cuộc di cư của cá hồi đỏ năm nay về sông này được xem là lớn nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Theo ước tính của các nhà khoa học, do môi trường nước sông Adams đang được chính quyền tăng cường bảo vệ, nên năm 2014, khoảng 10 triệu con cá hồi đỏ di cư về, dù muộn hơn các lần trước nhưng số lượng nhiều hơn đáng kể.