Đám mây phát sáng

  •  
  • 1.488

Mây dạ quang, một trong những kiểu mây cao nhất trong khí quyển trái đất, nổi bật trên nền đen của vũ trụ trong một bức ảnh được chụp từ quỹ đạo.

>>> Mây hình đĩa bay - mẹ của vòi rồng

Một phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) chụp bức ảnh khi đám mây bay ở phía trên cao nguyên Tây Tạng vào ngày 13/6, Livescience cho biết. Những tầng thấp hơn của bầu khí quyển cũng được chiếu sáng trong ảnh. Tầng thấp nhất, gọi là tầng bình lưu, có màu cam nhạt lẫn đỏ và nằm gần đường chân trời.

Tầng mây dạ quang trong bức ảnh mà một phi hành gia chụp từ ISS và được công bố hôm 25/6.
Tầng mây dạ quang trong bức ảnh mà một phi hành
gia chụp từ ISS và được công bố hôm 25/6. (Ảnh: NASA)

Là một dạng mây hiếm, mây dạ quang được tạo nên bởi các tinh thể nước đá cách mặt đất từ 76 tới 85km. Chúng chỉ hiện rõ sau khi mặt trời vừa lặn hoặc ngay trước khi mặt trời vừa mọc. Do ở vị trí rất cao, mây dạ quang vẫn nhận ánh sáng mặt trời theo hướng từ dưới lên trong lúc bóng tối bao phủ những đám mây thấp hơn. Con người thường dễ thấy mây dạ quang nhất vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Các phi hành gia trên ISS thường thấy chúng phía trên Canada, Bắc Âu và châu Á vào mùa hè. Tần suất xuất hiện của mây dạ quang ở bán cầu bắc cao hơn so với bán cầu nam.

Mặc dù số lượng mây phát sáng tăng dần trong vài thập kỷ gần đây, song tần suất hiện diện của chúng lại tăng và giảm theo chu kỳ hoạt động 11 năm của mặt trời. Chúng tăng mạnh khi mặt trời ở trong giai đoạn “hiền lành”, nghĩa là thổi ra ít tia cực tím. Theo các chuyên gia, tia cực tím có thể hủy diệt nước - thứ rất cần thiết đối với quá trình tạo mây - và duy trì nhiệt độ ở mức cao khiến các hạt băng không thể hình thành.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy những thay đổi về nhiệt độ và thành phần chất khí trong bầu khí quyển khiến mây dạ quang ngày càng trở nên sáng hơn.

Theo VNE, Livescience
  • 1.488