Nhiều nghiên cứu với khả năng ứng dụng thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được vinh danh trong Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam.
Công trình "Nghiên cứu cải tiến, thiết kế, chế tạo, đồng bộ hóa chuỗi dây chuyền chiết lon và đóng hộp tự động công suất 50.000 lon/giờ" của thạc sĩ Trần Văn Trà và cộng sự đến từ Thái Bình cùng 3 công trình khác đã giành giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam tối 16/5. Công trình này cũng nhận giải xuất sắc thuộc lĩnh vực cơ khí tự động hoá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Ông Trần Văn Trà (ngoài cùng bên trái) và ông Lê Hữu Hoàng (giữa) được Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao giải WIPO năm 2015.
Hiện một số nhà chế biến nông sản đóng hộp xuất khẩu như dưa chuột, hành kiệu hay các nhà máy chế biến, bảo quản lúa, gạo sau thu hoạch đã đầu tư dây chuyền sản xuất, nhưng đều ở thiết bị thô sơ, vẫn phải sử dụng lao động chân tay trong nhiều công đoạn, đặc biệt là đóng gói. Điều này khiến chất lượng, hình thức sản phẩm chưa đảm bảo, khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Từ thực tế trên, ông Trần Văn Trà cùng cộng sự đã tạo dây truyền tự động hóa trong khâu sang chiết, đóng gói có độ chính xác cao, giảm bớt lao động chân tay, đảm bảo chất lượng sản phẩm và có hình thức đẹp, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
"Đây là dây chuyền chiết rót, đóng gói có quy mô, công suất lớn đầu tiên ở Việt Nam, với tỷ lệ tự thiết kế chế tạo và cải tiến cao thay cho các dây chuyền nhập khẩu đồng bộ", ông Trà nói và cho biết nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn từ năm 2014.
Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam nhằm khuyến khích các nhà khoa học công nghệ đi sâu nghiên cứu, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại và công nghệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam vào sản xuất và đời sống.
Năm 2015, Giải thưởng có 96 công trình tham dự, chia theo 6 lĩnh vực: cơ khí - tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Ban tổ chức đã trao giải cho 30 công trình, gồm: 4 giải nhất, 8 giải nhì, 9 giải ba và 9 giải khuyến khích.
Ba công trình khác giành giải nhất "Nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi chim yến và xây dựng nhà yến phù hợp với từng vùng miền, địa phương phục vụ phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam" của thạc sĩ Lê Hữu Hoàng và cộng sự, Công ty TNHH nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa. Công trình này cũng được Tổ chức sở hữu trí tuệ trao giải xuất sắc thuộc lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Công trình "Nghiên cứu triển khai sản xuất búa răng siêu bền thay thế hàng nhập khẩu mã số RD133-13 và nghiên cứu triển khai sản xuất búa hai lớp thay thế hàng nhập khẩu mã số RD134-13" của kỹ sư Đàm Quang Tuân và cộng sự, Công ty CP cơ khí Đông Anh LICOGI, Hà Nội. Công trình "Nghiên cứu ứng dụng năng lượng xanh cho nhà máy xử lý nước" của thạc sĩ Trương Công Nam và cộng sự, Công ty TNHH nhà nước MTV xây dựng và cấp nước Thừa Thiên - Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. |