Đi tìm định dạng nhạc số tương lai

  •  
  • 188

Sự thống trị của MP3 kể từ năm 1999 có thể không còn trong thập kỷ tới khi kỹ thuật mã hóa theo chuẩn AAC (Advanced Audio Coding) với chất lượng cao hơn trở nên phổ biến và người ta bắt đầu chia sẻ nhạc không khóa bản quyền DRM.

Đầu tháng 4, một trong những tên tuổi lớn của ngành công nghiệp âm nhạc là EMI đã liên kết với Apple để tiếp tục bán nhạc phẩm có bảo vệ bằng bản quyền số (DRM), song song với những file nhạc chất lượng cao được cung cấp tự do không có DRM nhưng giá nhỉnh hơn đôi chút. Theo thỏa thuận này, Apple sẽ cung cấp file AAC 256 Kb/giây không DRM, cùng với file AAC 128 Kb/giây, có bảo vệ như hiện nay. Đây được coi là một động lực lớn cho AAC trong cuộc cạnh tranh với MP3.

Nguồn: berkeley.edu
Đại diện của EMI Dylan Jones tuyên bố họ không quan tâm tới định dạng mà chỉ cung cấp nhạc số cho các kênh bán lẻ để những đơn vị này tự thực hiện việc mã hóa. "EMI sẽ cung cấp file MP3 tốc độ 320 Kb/giây hay WMA 256 Kb/giây hoặc Sony Atrac, mà cũng có thể là bất cứ cái gì, miễn là tiêu thụ được. Các hãng bán lẻ nhạc phẩm được tự do chọn lựa định dạng và chất lượng file, tất nhiên là dựa trên một mức độ nhất định nào đó", Jones nói.

Apple là nhà cung cấp đầu tiên đưa định dạng AAC ra thị trường với máy iPod năm 2003. File âm thanh dùng chuẩn này đang xuất hiện trên ngày càng nhiều thiết bị, trong đó có máy Zune của Microsoft, máy chơi game PSP, PS3 và một số máy MP3 Walkman của Sony, và rất nhiều điện thoại di động của Nokia và Sony Ericsson. Ngoài ra, AAC còn là một định dạng quan trọng cho công nghệ radio kỹ thuật số, dùng cho các đài phát thanh dựa trên nền web.

MP3 thì không có tính năng DRM, vì thế các nhà cung cấp nhạc muốn chuyển sang AAC và WMA hoặc một số định dạng khác để trong chừng mực nào đó vẫn duy trì được khả năng bảo vệ quyền sở hữu nội dung. Ngoài ra, rất có thể sự hỗ trợ đối với MP3 sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu tập đoàn viễn thông Alcatel-Lucent giành được quyền kiểm soát tác quyền đối với định dạng này.

Tuy nhiên, một số công ty âm nhạc lớn lại theo chân EMI cung cấp sản phẩm không có DRM cho các cửa hàng âm nhạc trực tuyến. Điều này cho phép họ trở lại dùng MP3 với một thị trường rộng sẵn cùng doanh số bán hàng (không dùng DRM) cao.

Trong khi đó, tương lai của định dạng WMA do Microsoft phát triển có vẻ không sáng sủa trong một thế giới nhạc số phi DRM. Chuẩn này sẽ tiếp tục được khai thác ở những dịch vụ chú trọng bản quyền, trong đó có các thư viện nhạc đòi hỏi đăng ký thuê bao. Hơn nữa, WMA là một chuẩn tương đối rẻ tiền và tiện dụng cho một số hãng cung cấp nhạc. 

MP3 là định dạng "cao niên" nhất, nói chung hoạt động kém ở mức 128 Kb/giây nhưng có ưu thế ở tầm 160 - 196 Kb/giây, đặc biệt là với kiểu mã hóa Lame. Ở tốc độ cao hơn khi dùng mã hóa Lame VBR (variable bit rate), chất lượng âm thanh MP3 nghe tương đương đĩa CD. Hạn chế: dung lượng file lớn.

ACC hoạt động tốt ở tốc độ 96 Kb/giây và thấp hơn, dung lượng file nhỏ. Ở tốc độ 128 Kb/giây, chất lượng âm thanh của AAC "gần đạt bằng" CD, còn ở mức 160 Kb/giây hoặc cao hơn thì có thể tương đương CD. Hạn chế: phức tạp, là công nghệ có bản quyền đắt đỏ và quá nhiều phiên bản khác nhau.

WMA là định dạng của Microsoft với 3 phiên bản Standard, Pro và Lossless. Standard vượt trội so với MP3 ở mức "bit rate" thấp nhưng kém hơn nhiều AAC ở cùng tốc độ. Phiên bản Pro mới hơn thì sánh ngang về chất lượng với AAC ở tốc độ 128 Kb/giây trở lên. Hạn chế: có bản quyền, không có nhiều thiết bị hỗ trợ bản WMA Pro 10.

Theo MG Online, VnExpress
  • 188