Dịch tả tồi tệ nhất lịch sử bùng phát ở Yemen

  •  
  • 620

500.000 người Yemen mắc bệnh tả, cướp đi sinh mạng gần 2.000 người trong đợt dịch tồi tệ nhất lịch sử.

Sau chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh trở thành mối đe dọa Yemen. Từ tháng 4 đến nay, dịch tả tại đất nước này đã khiến nửa triệu người mắc bệnh và gần 2.000 người tử vong, trở thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất lịch sử. Ước tính mỗi ngày Yemen có đến 5.000 người bệnh tả hoặc tiêu chảy cấp mới.

Một em bé mắc bệnh tả.
Một em bé mắc bệnh tả. (Ảnh: Reuters).

Theo BBC, bệnh tả là bệnh nhiễm trùng đường ruột do thức ăn hoặc nước nhiễm vi trùng Vibrio cholera. Hầu hết bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng hoặc nhẹ. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh tả có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ nếu không được can thiệp.

Bệnh tả chủ yếu ở trẻ em và người già, hai đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy 41% ca bệnh và một phần tư trường hợp tử vong vì bệnh tả là trẻ em.

Tại Yemen, bệnh tả lây lan mạnh do tình trạng vệ sinh đáng báo động cùng thiếu hụt nguồn cung cấp nước sạch. Cái đói tạo điều kiện cho bệnh tả xuất hiện và ngược lại, căn bệnh cũng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. "Một vòng luẩn quẩn chết người", tờ Independent nhận định.

Trước dịch tả tồi tệ nhất lịch sử, hệ thống y tế của Yemen phải vật lộn chống chọi. Hứng chịu hậu quả từ chiến tranh kéo dài, hơn 50% cơ sở y tế đã phải đóng cửa, thuốc men cực kỳ khan hiếm, 30.000 nhân viên y tế chưa nhận lương suốt một năm và phải làm việc dưới điều kiện "không thể chấp nhận".

Suy dinh dưỡng tạo điều kiện cho bệnh tả phát triển.
Suy dinh dưỡng tạo điều kiện cho bệnh tả phát triển. (Ảnh: Reuters).

"Hàng nghìn người đang ốm nhưng không có đủ bệnh viện, thuốc và nước sạch", tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói. "Các y bác sĩ là xương sống của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chúng ta không thể làm gì nếu thiếu họ. Y bác sĩ cần được trả lương để tiếp tục cứu người".

Hiện hàng chục nghìn tình nguyện viên đã tới Yemen để vận động, tuyên truyền các gia đình tự bảo vệ mình khỏi bệnh tả đồng thời phân phát xà phòng, dụng cụ vệ sinh. Đây là việc làm quan trọng song chưa đủ. Đặc biệt, giám đốc hành động khẩn cấp thuộc WHO là ông Rick Brennan cho biết dù số ca mắc tả mới đã giảm, căn bệnh có nguy cơ bùng phát đột ngột vào tháng 8, tháng 9 khi mùa mưa tới.

Kêu gọi các lực lượng ở Yemen nhanh chóng tìm ra giải pháp chính trị, tiến sĩ Tedors bày tỏ: "Người dân Yemen không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Họ cần hòa bình để tái xây dựng đất nước và cuộc sống".

Cập nhật: 19/08/2017 Theo VnExpress
  • 620