Điều gì xảy ra nếu hố đen bay vào Hệ Mặt trời?

  •  
  • 512

Nếu hố đen bay tới gần Trái đất, nó có thể khiến hành tinh nóng lên, đại dương bay hơi và sự sống không thể tồn tại.

Hố đen là vật thể gần như vô hình và mạnh đến mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra. Những gì xảy ra khi vật thể như vậy tiến vào Hệ Mặt trời phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm kích thước và khoảng cách của hố đen, theo Live Science. Những hố đen đã biết là hố đen khối lượng sao (lớn gấp vài lần đến 100 lần Mặt trời) hoặc hố đen siêu khối lượng (lớn hơn từ 100.000 tới hàng tỷ lần Mặt trời), thường nằm ở trung tâm thiên hà.

Hố đen có thể tác động tương đối ít hoặc phá hủy Trái đất tùy theo khối lượng và vị trí của nó.
Hố đen có thể tác động tương đối ít hoặc phá hủy Trái đất tùy theo khối lượng và vị trí của nó. (Ảnh: Cavan Images / Luca Pierro).

Nếu một hố đen khối lượng sao hoặc lớn hơn bay qua hệ Mặt trời, nó có thể gây ra thảm họa, tùy theo độ gần và tốc độ của nó. Nếu hố đen bay qua đám mây Oort, khu vực xa xôi nhất của hệ Mặt trời, nó có thể làm rối loạn quỹ đạo của sao chổi và tiểu hành tinh, khiến chúng lao về phía Trái đất, theo Karina Voggel, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Trung tâm dữ liệu thiên văn học Strasbourg tại Pháp.

Nếu hố đen tới gần hơn, cách 100 đơn vị thiên văn (khoảng cách trung bình từ Trái đất đến Mặt trời, xấp xỉ 150 triệu km), ở ngoài quỹ đạo của sao Diêm Vương, nó có thể thay đổi quỹ đạo của sao Thiên Vương, sao Hải Vương và sao Diêm Vương. Nhưng nhiều khả năng Trái đất sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Chỉ khi hố đen đi qua giữa quỹ đạo của sao Thiên Vương và sao Diêm Vương, Trái đất sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng. Hai hành tinh đó có thể bị hấp dẫn bởi hố đen nhiều đến mức bay theo quỹ đạo xung quanh nó. Vì vậy, quỹ đạo của Trái đất cũng bị biến đổi theo, làm thay đổi các mùa, khiến hành tinh trải qua kỷ băng hà hoặc nhiệt độ tăng cao đến nỗi sự sống trên Trái đất sẽ tuyệt chủng.

Nếu hố đen tiến vào trong quỹ đạo của sao Thổ, nó có thể đẩy Trái đất ra ngoài vùng ở được, nơi nước lỏng có thể tồn tại. Nếu hố đen ở trong quỹ đạo của sao Mộc, Trái đất bắt đầu quay quanh nó. Trong trường hợp hố đen ở gần hơn nữa, nằm giữa Trái đất và sao Hỏa, hiệu ứng thủy triều sẽ làm Trái đất nóng lên, dẫn tới đại dương bay hơi và không còn tồn tại sự sống.

Nhưng các chuyên gia cho rằng mọi tình huống nêu trên hầu như không có khả năng xảy ra. "Chúng ta lo ngại về tiểu hành tinh đôi khi đâm trúng Trái đất bởi chúng có rất nhiều. Nhưng hố đen hiếm hơn nhiều trong vũ trụ. Khả năng một hố đen bay qua hệ Mặt trời cực thấp và khả năng nó đâm vào vật nào đó càng thấp hơn", Robert McNees, phó giáo sư vật lý ở Đại học Loyola tại Chicago, cho biết.

Cập nhật: 22/07/2024 VnExpress
  • 512