Các nhà khoa học trên thế giới tuyên bố sẽ khởi động lại việc nghiên cứu các chủng đột biến của vi rút cúm gia cầm H5N1 sau một thời gian tạm ngừng vì lo ngại thông tin nghiên cứu bị rơi vào tay kẻ xấu.
Các nhà khoa học cho rằng các nghiên cứu về chủng cúm gia cầm là cần thiết. Vì có thể gặp nhiều rủi ro về tính an toàn nên các cuộc nghiên cứu sẽ được tiến hành ở những nơi an toàn nhất, và được chính phủ quốc gia đó chấp thuận.
Đó sẽ là những phòng thí nghiệm chủ chốt ở Hà Lan và một số nơi khác, nhưng chưa phải là tại Mỹ hay các trung tâm nghiên cứu được Mỹ tài trợ.
Cúm gia cầm có thể gây nên một đại dịch toàn cầu - (Ảnh: Shutterstock)
"Chúng tôi muốn thế giới được chuẩn bị sẵn sàng hơn hiện tại khi chủng H5N1 có thể gây nên một đại dịch", Reuters dẫn lời của nhà khoa học Yoshihiro Kawaoka từ Trường đại học Tokyo (Nhật), một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về cúm gia cầm.
Trong một bức thư được đăng tải trên chuyên san Nature and Science, 40 nhà nghiên cứu về bệnh cúm từ Mỹ, Trung quốc, Nhật, Anh, Hà Lan, Canada, Ý, Đức... viết rằng nghiên cứu về bệnh cúm, cũng giống như bất kỳ nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm khác, cũng đều có rủi ro của nó.
Tuy nhiên, vì virus H5N1 có thể lây giữa các loài động vật có vú nên lợi ích của việc nghiên cứu lớn hơn rủi ro.
Tất cả các nghiên cứu về việc lây truyền virus H5N1 đã tạm ngừng từ tháng 1/2012 sau khi một nhóm các nhà khoa học từ Trường đại học Winconsin (Mỹ) và Trung tâm Y tế Erasmus Hà Lan (Hà Lan) tạo ra được chủng đột biến có thể lây truyền trực tiếp giữa các loài động vật có vú, có nghĩa là vi rút cũng có thể lây truyền trực tiếp giữa người và người.
Hiện tại cúm gia cầm có thể lây từ gia cầm sang gia cầm và từ gia cầm sang người, chưa lây trực tiếp giữa người với người.
Khi thông tin về cuộc nghiên cứu xuất hiện vào cuối năm 2011, Ban cố vấn Khoa học quốc gia về An toàn sinh học tại Mỹ đã kêu gọi kiểm duyệt các công trình khoa học để ngăn chặn thông tin chi tiết của cuộc nghiên cứu bị rơi vào tay kẻ xấu.