Dự án tìm kiếm người ngoài hành tinh lớn nhất

  •  
  • 202

Viện tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất (SETI) xử lý bộ dữ liệu lớn có thể quét hàng trăm nghìn ngôi sao một lúc nhằm tìm kiếm tín hiệu kỹ thuật ngoài hành tinh

SETI vừa tiến hành một nâng cấp quan trọng cho phép quét khoảng 80% bầu trời đêm từ độ lệch -40 độ tới thiên đỉnh (điểm trên bầu trời thẳng đỉnh đầu người quan sát) trong quá trình tìm kiếm tín hiệu kỹ thuật ngoài hành tinh, Interesting Engineering hôm 14/1 đưa tin.

 Cụm kính viễn vọng rất lớn Karl G. Jansky (VLA) tại New Mexico.
Cụm kính viễn vọng rất lớn Karl G. Jansky (VLA) tại New Mexico. (Ảnh: NRAO).

Dự án hợp tác mới giữa SETI, Breakthrough Listen, và Đài quan sát thiên văn học vô tuyến quốc gia mang tên COSMIC (Commensal Open-Source Multimode Interferometer Cluster). Nó hoạt động ở cụm kính viễn vọng rất lớn Karl G. Jansky (VLA) tại New Mexico. Theo Space, COSMIC có thể sử dụng kết quả khảo sát bầu trời của VLA (VLASS). VLASS bắt đầu lượt quan sát thứ ba vào tháng 1/2023, thu thập dữ liệu thô bằng cụm kính viễn vọng vô tuyến 27 đĩa. COSMIC nhận bản sao dữ liệu trước khi VLA xử lý, giúp các nhà khoa học SETI phân tích dữ liệu tùy ý theo thời gian thực.

Hệ thống COSMIC cũng được thiết kế với những nâng cấp trong tương lai, đảm bảo nó luôn ở tuyến đầu trong thử nghiệm của SETI. Một nâng cấp tiềm năng có thể tăng mục tiêu quan sát đồng thời. Ngoài ra, các chuyên gia có thể ứng dụng thuật toán học máy để phân tích dữ liệu hiệu quả hơn. Thiết kế của hệ thống rất linh hoạt và có thể sử dụng cho nhiều mục đích khoa học khác nhau như nghiên cứu cấu trúc của chớp sóng vô tuyến và tìm vật chất tối axion.

"Hiện nay, trọng tâm là tạo ra một trong những cuộc khảo sát tín hiệu kỹ thuật lớn nhất với hơn 500.000 nguồn quan sát được trong 6 tháng đầu tiên", Chenoa Tremblay, nhà khoa học ở dự án COSMIC kiêm nhà thiên văn học ở Viện SETI, cho biết. COSMIC có thể quét nguồn vô tuyến trong vũ trụ ở tốc độ 2.000 nguồn/giờ.

Dấu hiệu kỹ thuật chỉ bằng chứng về việc sử dụng công nghệ tiên tiến bên ngoài hệ Mặt Trời, có thể hé lộ sự tồn tại của người ngoài hành tinh. Nó gồm tín hiệu vô tuyến, ánh sáng hoặc máy laser, thành phần hóa học trong khí quyển... Trong trường hợp SETI, họ thường quét bầu trời để tìm dấu hiệu ở ngưỡng 0,75 - 50 gigahertz (GHz).

Dải tần số này được lựa chọn vì vài lý do chủ chốt. Đầu tiên là tần số dưới 0,75 GHz thường được sử dụng bởi công nghệ viễn thông của con người, tạo ra "nhiễu". Lý do khác bao gồm độ trong suốt tương đối của khí quyển Trái đất đối với sóng vô tuyến ở tần số như vậy. Nó cũng bao gồm dải vi sóng thể hiện sự tồn tại của hydro trung hòa (1,42 GHz) và phân tử hydroxyl molecule (1,72 GHz), có thể hé lộ dấu hiệu của nước.

Cập nhật: 16/01/2024 VnExpress
  • 202