Dự báo tình hình mưa bão năm nay

  •  
  • 576

Khoảng giữa tháng 6, bão/áp thấp nhiệt đới có thể xuất hiện trên Biển Đông. Dự báo số lượng cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông năm nay có thể thấp hơn trung bình nhiều năm, mưa cũng xuất hiện ít hơn ở nhiều khu vực.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay cho đến tháng 6, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính với xác suất từ 80-90%. Sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục có xu hướng tăng dần và nghiêng về pha El Nino, kéo dài đến các tháng đầu năm 2024.

Do sự chi phối của pha trung tính, sau đó là El Nino nên mùa mưa bão năm nay được nhận định có thể ít hơn so với trung bình nhiều năm, đặc biệt là so với năm 2020 và 2022.

Dự báo từ nay đến tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông, khoảng từ giữa tháng 6, bão/ATNĐ có thể bắt đầu xuất hiện trên khu vực Biển Đông.

Trong các tháng từ tháng 8-10, số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Theo quy luật khí hậu, những cơn bão đầu mùa thường xuất hiện ở khu vực Bắc Biển Đông và có xu hướng di chuyển lên phía Bắc. Từ tháng 8-10, bão có xu hướng di chuyển đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Số lượng cơn bão năm nay có thể ít hơn trung bình nhiều năm.
Số lượng cơn bão năm nay có thể ít hơn trung bình nhiều năm.

Dù số lượng cơn bão được nhận định có thể ít hơn nhưng mùa mưa bão năm nay vẫn có khả năng xuất hiện những cơn bão có diễn biến phức tạp về cường độ và quỹ đạo hoạt động.

Nhiều khu vực trên cả nước sắp đón một mùa hè khô hạn. Dự báo đỉnh lũ trên các sông ở Bắc Bộ mùa mưa lũ năm nay phổ biến ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2, thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3, các đợt lũ chủ yếu tập trung trong các tháng 7-9/2023.

Dòng chảy đến các hồ chứa trên sông Đà, sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10-30%, riêng dòng chảy đến hồ Hòa Bình lớn hơn trung bình nhiều năm do các hồ chứa thượng nguồn cấp nước bổ sung. Trên sông Thao và sông Lô thiếu hụt từ 20-50%.

Tại khu vực Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên, lưu lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20-60%, riêng các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Nam Tây Nguyên ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 10-40%.

Trong thời kỳ này, cần đề phòng xảy ra khô hạn cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Tại Nam Bộ, từ tháng 5 đến tháng 7/2023, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mê Công ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%.

Trong khi mưa bão năm nay được nhận định có thể ít hơn trung bình nhiều năm thì tình hình nắng nóng năm nay có khả năng xảy ra gay gắt hơn, khốc liệt hơn.

Các tỉnh miền Bắc, miền Trung đang trải qua một đợt nắng nóng diện rộng, trong đó Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xuất hiện nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, riêng Sơn La nhiều nơi ghi nhận trên 42 độ. Dự báo đợt nắng nóng này còn kéo dài đến 23/4.

Trước đó, trong tháng 3, các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ đã trải qua một đợt nắng nóng gay gắt diện rộng với nhiều kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận. Đáng lưu ý, có tới 16 điểm đo ở miền Bắc và miền Trung ghi nhận giá trị nhiệt độ kỷ lục trong tháng 3.

Trong tháng 3, nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ, riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ cao hơn từ 1-1,5 độ.

Trong nửa đầu tháng 4, nắng nóng diện rộng tiếp tục xuất hiện tại ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ như đợt nắng nóng ngày đợt 5-6/4 tại Tây Bắc Bộ, 4-6/4 tại Bắc và Trung Trung Bộ.

Trong nửa đầu tháng 4/2023, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 1,5-3 độ, Bắc Bộ có nơi cao hơn 3 độ.

Dự báo đỉnh điểm của mùa hè năm nay sẽ tập trung từ tháng 5-8 ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ. Nền nhiệt mùa hè ở khu vực này dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ. Từ tháng 9, nắng nóng có dấu hiệu giảm dần.

Cập nhật: 20/04/2023 Tiền Phong
  • 576