Dùng sóng radar, khoa học bất ngờ với thứ nằm bên dưới lớp băng ở Nam Cực

  •  
  • 1.022

Những bí mật bên dưới lớp băng ở Nam Cực đang dần được khoa học hé lộ. 

Nằm sâu bên dưới lớp băng ở phần Đông Nam Cực, nơi có những tảng băng lớn nhất thế giới, các nhà khoa học mới đây đã xác nhận sự tồn tại của một hồ nước lỏng khổng lồ.

Với tên gọi là hồ Snow Eagle, các nhà nghiên cứu tin rằng các lớp trầm tích bên trong hồ này có thể chứa mọi thông tin về sự tiến hóa của những khối băng ở Nam Cực từ khi nó được hình thành cho tới nay.

Vùng nước nằm dưới lớp băng khoảng 3,2km, dài 42km và rộng 15km, có diện tích 370km vuông và chứa 21km khối nước. Dưới đáy hồ là một lớp trầm tích không kết dính. Nhóm nghiên cứu tin rằng nó đã ở đó rất lâu - có lẽ từ trước khi tảng băng hình thành.

"Theo quan sát của chúng tôi, tảng băng đã thay đổi đáng kể từ khoảng 10.000 năm trước, dù nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ", Don Blankenship, nhà địa vật lý tại Viện Vật lý Địa cầu cho biết.

Điều kỳ lạ là mặc dù phần Đông Nam Cực là nơi lạnh nhất trên Trái đất, nhưng nó không hoàn toàn bị đóng băng. Thay vào đó, có hàng trăm hồ nước lỏng - được gọi là hồ dưới băng, đã được phát hiện ẩn sâu bên dưới lớp băng đã bao phủ lục địa trong suốt hàng thiên niên kỷ.

Theo lý giải của các nhà khoa học, có một số yếu tố cho phép các hồ này tồn tại. Đầu tiên, đó là khối lượng của tảng băng đã tạo ra áp suất, làm giảm đáng kể điểm đóng băng của những phần tử nước bị mắc kẹt bên dưới nó.

Ngoài ra, bản thân lớp băng cũng hoạt động như một lớp cách nhiệt hiệu quả, chống lại không khí lạnh giá bên trên, giúp một lượng lớn nước ở dưới có điều kiện thuận lợi để tạo thành dòng chảy và giảm điểm đóng băng.

Để phát hiện ra các hồ dưới băng, các nhà khoa học thông thường sử dụng radar xuyên băng từ trên cao. Theo đó, tín hiệu radar được truyền qua lớp băng và bị dội ngược trở lại. Sau đó, họ so sánh tín hiệu truyền đi với tín hiệu trả về, và tìm thấy những dấu hiệu về những gì đã xảy ra bên dưới lớp băng ở Nam Cực.

Trong trường hợp của hồ Snow Eagle, gợi ý đầu tiên cho các khoa học là khi họ quan sát thấy một vết lõm rất lớn nằm bên trong tảng băng, sau khi xem các hình ảnh vệ tinh. Sau đó, một nhóm nghiên cứu do nhà địa vật lý Shuai Yan thuộc Đại học Texas ở Austin dẫn đầu, đã bắt đầu thu thập dữ liệu radar xung quanh khu vực, cũng như các phép đo từ trường của Trái đất, trong khoảng thời gian 3 năm, từ 2016 đến 2019.

Sau khi phân tích dữ liệu từ radar, họ thấy một mảng lớn, nằm sâu bên dưới lớp băng, phát ra ánh sáng rực rỡ. Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể khẳng định đây là một trong những hồ dưới băng lớn nhất từng được phát hiện.

Nhóm nghiên cứu cho rằng việc giải thích hồ nước bị "mắc kẹt" dưới lớp băng tại một trong những môi trường thù địch nhất trên Trái Đất, có thể mở ra những khám phá mới về nguồn gốc, cũng như sự hình thành của chính hành tinh Xanh từ những ngày đầu tiên.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Geology.

Cập nhật: 12/05/2022 Theo Dân Trí
  • 1.022