Gene lạ của động vật duy nhất sống được trong vũ trụ

  •   42
  • 4.045

Động vật duy nhất có thể tồn tại ở môi trường khắc nghiệt ngoài vũ trụ mà không cần thiết bị hỗ trợ đặc biệt có ADN kỳ lạ nhất trong số các loài.

Nghiên cứu bộ gene lạ của gấu nước

Theo Discovery News, một phần sáu bộ gene của gấu nước, còn gọi là tardigrade, không thuộc cơ thể mà đến từ các sinh vật khác. Nghiên cứu công bố hôm 18/11 trên tạp chí Proceeding of the National Academy of Sciences, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy những con gấu nước siêu nhỏ là động vật độc đáo bậc nhất và dường như khó có thể hủy diệt.

Năm 2007, các nhà khoa học đặt một số con gấu nước bên ngoài vệ tinh và phóng chúng vào vũ trụ. Khi vệ tinh quay về Trái Đất, nhiều con gấu nước vẫn còn sống. Một số con cái đẻ trứng trong không gian và con non nở ra khỏe mạnh như không có vấn đề gì xảy ra.


Gấu nước có thể tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt như trong vũ trụ. (Ảnh: NASA).

"Chúng tôi không biết bộ gene của một loài động vật lại có thể bao gồm nhiều ADN lạ đến vậy. Nhiều động vật phát triển gene lạ, nhưng chúng tôi chưa bắt gặp cấp độ như trên", Bob Goldstein, nhà khoa học ở Đại học Bắc Carolina, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Gấu nước là động vật siêu nhỏ có 8 chân, cơ thể phân khoảng và chiều dài 1,5mm. Goldstein cùng Thomas Boothby, tác giả chính của nghiên cứu, và các đồng nghiệp xác định gấu nước thu 6.000 gene lạ chủ yếu từ vi khuẩn, thực vật, nấm và những tổ chức vi sinh vật đơn bào đa dạng.

Điều này có nghĩa 17,5% bộ gene của gấu nước đến từ các nguồn bên ngoài. Gấu nước sở hữu ADN lạ thông qua quá trình chuyển gene ngang. Thay vì kế thừa ADN, gấu nước trao đổi với các loài khác.

"Động vật tồn tại trong môi trường khắc nghiệt có xu hướng lấy gene bên ngoài và gene vi khuẩn có thể chống chịu với điều kiện khắc nghiệt tốt hơn gene động vật", Boothby nhận xét.

Theo suy đoán của các nhà khoa học, khi tiếp xúc với điều kiện khắc nghiệt như bị sấy khô, ADN của gấu nước sẽ chia thành những đoạn nhỏ. Khi tế bào mất nước, màng và nhân tế bào tạm thời có chỗ hở, nhờ đó ADN và các phân tử lớn khác có thể đi qua dễ dàng.

Trong suốt quá trình này, gấu nước không chỉ sửa chữa ADN hư hỏng của chính mình mà còn nối với ADN lạ, tạo ra một thể gene từ nhiều loài khác nhau. Kỷ lục giữ nhiều ADN lạ trước đây thuộc về một loài động vật siêu nhỏ tên luân trùng. Tuy nhiên, số gene lạ trong cơ thể luân trùng chỉ bằng một nửa so với gấu nước.

Theo VnExpress
  • 42
  • 4.045