Giải mã bất ngờ về nô lệ La Mã cổ đại

  •  
  • 5.841

Nô lệ La Mã cổ đại có cuộc sống khá vất vả khi phải làm những công việc nặng nhọc, có thể mất mạng bất cứ lúc nào.

Những cuộc nổi dậy của nô lệ

Nô lệ La Mã cổ đại chiếm số lượng không nhỏ. Lịch sử La Mã cổ đại ghi nhận rất nhiều cuộc nổi dậy của tầng lớp nô lệ. Một nô lệ Syria có tên Eunus là lãnh đạo của một trong những cuộc nổi dậy nổi tiếng diễn ra trong thời gian từ năm 135-132 TCN tại Sicily. Người ta nói rằng, Eunus tuyên bố bản thân là một nhà tiên tri và có khả năng nhìn thấy những điều huyền bí.

Lịch sử La Mã cổ đại ghi nhận rất nhiều cuộc nổi dậy của tầng lớp nô lệ.
Lịch sử La Mã cổ đại ghi nhận rất nhiều cuộc nổi dậy của tầng lớp nô lệ.

Theo Diodorus Siculus, Eunus đã thu hút, thuyết phục những người đi theo mình tham gia cuộc nổi dậy bằng cách sử dụng mẹo nhỏ khiến ông có thể phun lửa bằng miệng. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của Eunus và những nô lệ khác nhanh chóng bị đế chế La Mã đàn áp và dập tắt. Mặc dù cuộc nổi dậy này không thành công nhưng nó đã mở màn cho một loạt các cuộc nổi dậy khác của nô lệ ở Sicily trong giai đoạn năm 104-103 TCN.

Cuộc nổi dậy của nô lệ nổi tiếng nhất ở La Mã do Spartacus dẫn dắt gây được tiếng vang lớn. Quân đội La Mã phải mất 2 năm (73-71 TCN) mới dập tắt được cuộc nổi dậy do Spartacus chỉ huy.

Cuộc sống của nô lệ

Điều kiện sinh hoạt và nguyện vọng của tầng lớp nô lệ ở La Mã khá phong phú và có liên quan đến công việc của họ. Nô lệ tham gia vào mọi hoạt động lao động chân tay vất vả như làm nông nghiệp, khai thác mỏ. Những công việc này vô cùng vất vả và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khi có thể mất mạng một cách dễ dàng khi làm việc trong hầm mỏ.

Khi nô lệ có đủ tiền bạc, tài sản, họ có thể mua lại giấy bán thân để trở thành người nô lệ được giải phóng.
Khi nô lệ có đủ tiền bạc, tài sản, họ có thể mua lại giấy bán thân để trở thành người nô lệ được giải phóng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nô lệ có cuộc sống khá dễ chịu. Họ có cơ hội sở hữu và quản lý một số tiền và tài sản cho mình. Tài sản đó được gọi là "peculium". Theo luật pháp, nó thuộc về chủ sở hữu nô lệ. Tuy nhiên, trên thực tế, nô lệ sẽ được phép sử dụng số tiền đó cho mục đích của bản thân.

Cuối cùng, khi nô lệ có đủ tiền bạc, tài sản, họ có thể mua lại giấy bán thân để trở thành người nô lệ được giải phóng. Mặc dù là nô lệ được giải phóng nhưng họ vẫn bị pháp luật công nhận là một phần của của người chủ.

Nô lệ cũng có thể được giải phóng, có được sự tự do khi người chủ làm điều đó như một phần thưởng vì lòng trung thành và làm việc tốt của họ.

Nô lệ nổi tiếng nhất La Mã cổ đại

Spartacus được cho là người nô lệ nổi tiếng nhất La Mã cổ đại
Spartacus được cho là người nô lệ nổi tiếng nhất La Mã cổ đại.

Spartacus được cho là người nô lệ nổi tiếng nhất La Mã cổ đại. Theo đó, Spartacus đã trốn thoát khỏi một cơ sở huấn luyện võ sĩ giác đấu ở Capua vào năm 73 TCN. Spartacus đã bỏ trốn cùng 78 nô lệ khác. Sau khi bỏ trốn, Spartacus cùng số nô lệ đó kêu gọi, tuyên truyền, thuyết phục những người cùng ở tầng lớp thấp kém đó đứng lên chống lại sự bất bình đẳng, phân biệt giàu nghèo trong xã hội La Mã.

Theo ước tính, hàng ngàn nô lệ ở nhiều nơi thuộc đế chế La Mã đã giam gia cuộc nổi dậy do Spartacus chỉ huy. Cuộc nổi dậy đó diễn ra trong 2 năm. Quân đội La Mã đã rất vất vả trong việc dẹp yên cuộc nổi dậy này. Cuối cùng, viên tướng Crassus của La Mã đã dập tắt cuộc nổi dậy đó và Spartacus bị giết chết. Hơn 6.000 nô lệ đi theo Spartacus tham gia cuộc nổi dậy bị đóng đinh dọc con đường từ Rome tới Capua.

Tuy cuộc nổi dậy thất bại nhưng Spartacus trở thành tấm gương bất tử và truyền cảm hứng cho những cuộc nổi dậy thời gian sau của tầng lớp nô lệ dám đứng lên đấu tranh giành tự do, phá bỏ xiềng xích áp bức. Câu chuyện về cuộc đời và cuộc nổi dậy do Spartacus dẫn dắt đã được miêu tả khá chi tiết trong nhiều cuốn sách, phim truyền hình và phim điện ảnh.

Cập nhật: 20/06/2016 Theo kienthuc
  • 5.841