Giải mã nỗi ám ảnh sợ nhân vật hề

  •   52
  • 2.045

Chứng sợ hề hay Coulrophobia được cho là bắt nguồn từ cảm giác nguy hiểm, không tin tưởng khi nhìn thấy nụ cười giả tạo trên khuôn mặt dày lớp trang điểm của nhân vật hề.

Chúng ta thường nghĩ rằng hề là nhân vật mua vui, đem đến tiếng cười cho người khác. Thế nhưng, đối với một số người, hề như nỗi ám ảnh kinh hoàng. Từ "Coulrophobia" được sinh ra nhằm ám chỉ sự sợ hãi tột cùng mỗi lần đối diện với các chú hề. Tuy bị từ chối công nhận bởi các văn bản hướng dẫn về sức khỏe tâm thần như ICD (*) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay DSM (**) của Hiệp hội Tâm thần Mỹ, Coulrophobia vẫn trở thành một thuật ngữ thông dụng và được các chuyên gia tin là có thật.

Theo NBC News, trang Today đăng tải câu chuyện về một cụ ông 95 tuổi vẫn hóa thân thành hề với khuôn mặt trắng, tóc giả màu cam và chiếc nơ cổ khổng lồ. Được chia sẻ trên Facebook, bài viết thu hút nhiều bình luận, chủ yếu thể hiện sự sợ hãi bằng những cụm từ "rùng mình", "khiếp đảm", "căm ghét", "trông như quỷ dữ".


Hề vốn là nhân vật mua vui nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người. (Ảnh: WP).

Marla Deibler, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Trung tâm Sức khỏe Cảm xúc Philadelphia tin rằng 12% dân số Mỹ mắc bệnh Coulrophobia với triệu chứng như đổ mồ hôi, buồn nôn, tim đập nhanh, khóc, la hét, tức giận hoặc sợ hãi trong tình huống phải đối mặt với một chú hề. Trên thực tế, nếu truy cập Google và gõ dòng chữ "Tôi ghét hề", bạn sẽ gặp một diễn đàn chuyên dành cho người ghét hề với hơn 400.000 lượt thích.

Rami Nader, nhà tâm lý học kiêm giám đốc Bệnh viện North Shore chuyên về lo âu và stress ở Vancouver (Canada) cho biết gốc rễ tâm lý của ám ảnh sợ hề có thể liên quan đến việc các chú hề thường phải cải trang, giấu đi cảm xúc thực sự để luôn tươi cười. "Bạn không thể biết họ là ai", Nader giải thích. "Bạn không thể nhìn mặt họ hay đoán biết dưới lớp mặt nạ là cái gì".

Đồng ý với quan điểm trên, giáo sư tâm lý học từ Đại học Temple (Mỹ) Frank Farley nhận định: "Hề giấu đi khuôn mặt tự nhiên của mình. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ". Các chú hề lúc nào cũng nở nụ cười trong khi chúng ta có xu hướng không tin tưởng những người tỏ ra hạnh phúc thái quá. Mọi nét như đôi mắt, chiếc mũi, khuôn miệng hề đều bị phóng đại; vừa thân quen vừa lạ lùng; đem lại cảm giác nguy hiểm và trở thành nền tảng của nỗi sợ hãi. Trước tình huống này, hệ thống thần kinh sẽ cảnh báo tâm trí và cơ thể phản ứng lại mối đe dọa.

Tương đối hiếm gặp, số người mắc Coulrophobia vẫn đủ nhiều để Đại học Sheffield (Anh) tiến hành khảo sát vào năm 2008. Nhóm nghiên cứu phỏng vấn 250 trẻ tuổi từ 4 đến 16 về việc trang trí hình ảnh hề tại bệnh viện và phát hiện hầu hết tình nguyện viên nhí đều ghét hề. "Chúng tôi nhận thấy hề không được trẻ em yêu thích. Vài bé thậm chí còn sợ hãi", tiến sĩ Penny Curtis tham gia công trình này chia sẻ.

Coulrophobia không cần điều trị bởi đây không phải là nỗi ám ảnh nghiêm trọng.
Coulrophobia không cần điều trị bởi đây không phải là nỗi ám ảnh nghiêm trọng.

Vậy đối phó với chứng sợ hề bằng cách nào? "Những gì chúng ta cần là tiếp xúc dần dần và học cách xử lý lo lắng, nhận ra thứ mình sợ hãi không thể gây hại", Nader khuyên. "Như thế bạn sẽ không mất kiểm soát, không sợ hãi và không xấu hổ nếu ở với người khác".

Judy Chessa, điều phối viên tại Trung tâm Điều trị Lo âu và Sợ hãi tại Bệnh viện White Plains, New York (Mỹ) thì cho rằng Coulrophobia không cần điều trị bởi đây không phải là nỗi ám ảnh nghiêm trọng. "Thông thường, người sợ hề chỉ cần tránh tình huống gây lo hãi là đủ. Họ sẽ không phải nhìn thấy hề vào ban ngày hay ở chỗ làm. Tất nhiên là trừ những ai phải làm việc ở rạp xiếc", bà kết luận.

  • (*) ICD: Bảng phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan.
  • (**) DSM: Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần.
Cập nhật: 09/09/2016 Theo VnExpress
  • 52
  • 2.045