James Dyson Award là giải thưởng sáng tạo quốc tế được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các nhà sáng chế sinh viên có những phát minh không chỉ hữu ích và gần gũi với cuộc sống, mà còn truyền cảm ứng cho các nhà thiết kế tương lai.
Giải nhất của Giải thưởng James Dyson năm 2014 đã thuộc về nhà thiết kế 23 tuổi James Robert, đến từ Đại học Loughborough (Anh), với sản phẩm lồng ấp trẻ sinh non di động tên là “MOM”.
Lồng ấp được trang bị các bộ phận sưởi giúp giữ ấm cho trẻ mới sinh. Khi cần giữ ấm cho trẻ, khu vực đặt em bé sẽ được bơm phồng lên và sau khi dùng xong thì xả hơi để gấp gọn lại. Mặc dù MOM vận hành bằng điện, nhưng nó cũng có sẵn pin dự phòng để duy trì hệ thống giữ ấm cho trẻ suốt 24 tiếng nếu gặp sự cố mất điện. Bên trong lồng ấp còn có một bộ phận sử dụng liệu pháp ánh sáng để chữa cho những em bé bị vàng da. Thông tin về nhiệt độ và độ ẩm bên trong lồng ấp sẽ hiển thị ở màn hình phía trên, cho phép người chăm sóc dễ dàng theo dõi. Trong trường hợp nhiệt độ và độ ẩm vượt mức tiêu chuẩn, chuông báo động sẽ reo lên để họ kịp thời hiệu chỉnh.
Theo nhà sáng chế Robert, so với lồng ấp trẻ sinh non hiện hành có giá khoảng 47.500 USD, lồng ấp MOM cung cấp tính năng tương tự nhưng chi phí sản xuất chỉ khoảng 400 USD và dễ dàng được vận chuyển đến bất kỳ nơi nào. Thiết bị giá rẻ này có thể thay thế các loại lồng ấp cố định tại bệnh viện và hứa hẹn sẽ giúp ích cho các vùng nông thôn hẻo lánh thường thiếu thốn trang thiết bị y tế. Với số tiền thưởng 45.000 USD, Robert có thể đầu tư chế tạo và thử nghiệm các phiên bản MOM cải tiến có khả năng thương mại hóa.
Trong khi đó, 3 ba phát minh đồng giải nhì với số tiền thưởng 7.500 USD/giải từ quỹ James Dyson là:
QOLO - sáng chế của 2 sinh viên viên kỹ thuật đến từ Đại học Tsukuba (Nhật Bản) - là chiếc xe lăn chạy bằng điện đầu tiên có thiết kế cho phép những người mất khả năng điều khiển đôi chân có thể đứng lên và di chuyển, sau đó ngồi xuống một cách dễ dàng. QOLO vận hành chủ yếu nhờ vào một hệ thống hỗ trợ cơ điện, tự động thay đổi tư thế của người dùng mỗi khi họ dịch chuyển trọng lượng ở phần thân trên.
Chúng ta không còn lạ với các thiết bị cảnh báo “cháy nắng” như vòng đeo tay có thể đổi màu để người dùng biết khi nào cần bôi thêm kem chống nắng hoặc tìm nơi trốn nắng. Nhưng quy trình báo động của Suncayr - phát minh của nhóm các sinh viên chuyên ngành công nghệ nano tại Đại học Waterloo (Canada) - có một chút khác biệt.
Suncayr sử dụng một loại mực đặc biệt có khả năng phản ứng trước tia UV. Khi ra nắng, người dùng chỉ việc dùng viết vẽ một hình bất kỳ lên làn da trước khi bôi kem chống nắng. Nếu nét mực vẫn giữ màu xanh lá cây thì nghĩa là kem chống nắng vẫn còn tác dụng. Trái lại, khi mực chuyển sang màu đỏ, đó là lúc bạn nên bôi thêm kem chống nắng lên da.
Các vận động viên khuyết tật thường mất đi cảm giác ở những phần nào đó trên cơ thể, nên họ không thể nhận ra sự tổn thương ở những khu vực này. Bộ quần áo “Bruise”, do nhóm sinh viên thuộc Học viện Hoàng gia Luân Đôn và Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia Anh đồng thiết kế, nhằm mục đích giúp họ nhận biết tổn thương.
Bruise được may bằng vải bông lycra trắng, bên trong có lót các túi đựng vật liệu phản ứng với áp lực. Khi người mặc chịu một lực tác động mạnh vào phần cơ thể mất cảm giác, túi vật liệu tại đó sẽ tiết ra loại thuốc nhuộm màu đỏ tươi thấm vào vải. Khi đó, người dùng dễ dàng nhận biết họ có thể đã bị tổn thương tại khu vực đó.
Tham khảo: Gizmag