Bộ xương mới được khai quật của loài Ankylosaurid - một loài khủng long ăn cỏ “bọc thép” có thân hình to lớn sống trong Kỷ Phấn trắng - có thể chỉ ra rằng các thành viên của họ khủng long này có thể rất ưa thích đào bới, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
Mẫu vật này được gọi là MPC-D 100/1359, có thể giúp chúng ta hiểu thêm về hành vi của loài Ankylosaurid trong kỷ Phấn trắng muộn (84-72 triệu năm trước).
Giáp long đuôi chùy.
Yuong-Nam Lee và các đồng nghiệp đã khai quật được các phần hóa thạch xương của mẫu vật MPC-D 100/1359 từ một mỏ khoáng sản trong Hệ tầng Baruungoyot ở phía nam sa mạc Gobi, Mông Cổ, nơi nó được phát hiện vào những năm 1970. Các tác giả cho rằng một số đặc điểm giải phẫu của MPC-D 100/1359 có thể chỉ ra rằng Ankylosaurid trong giai đoạn này đã tiến hóa và sở hữu một vài hành vi mới khác với những đồng loại của chúng ở thời gian trước.
Các xương ở phần trước của nó được sắp xếp theo hình vòng cung nông, điều này có thể giúp nó có khả năng đào đất mềm. Sự hợp nhất của một số đốt sống và giảm số lượng xương ở bộ sau của nó so với các loài khủng long khác có thể đã giúp chúng đào bới hoặc di chuyển đuôi của nó một cách nhẹ nhàng hơn. Hình dạng cơ thể của MPC-D 100/1359 rộng hơn ở giữa, nhưng hẹp hơn ở phía trước và phía sau, có thể đã giúp thân của nó luôn thẳng khi đào bới.
Các tác giả suy đoán rằng MPC-D 100/1359 có thể đã đào đất để lấy nước, khoáng chất hoặc rễ cây làm thức ăn và thậm chí có thể đã thu mình trong các hố nông để bảo vệ phần thân dưới mềm của nó khỏi những kẻ săn mồi.