Giống như con người biết giữ đồ xịn, loài quạ cũng hiểu được giá trị của công cụ

  •  
  • 406

Quạ là một trong những loài chim thông minh nhất, chúng có thể tìm cách sử dụng công cụ để phục vụ mục đích của mình. Một nghiên cứu mới đây đã chứng minh quạ còn nhận thức được giá trị của công cụ, giống như con người chúng ta vậy.

Nhà sinh thái học Barbara Klump của Viện Max Planck, Đức, cho biết: “Nhiều người trong chúng ta sẽ rất cẩn thận khi sử dụng một chiếc điện thoại mới, đảm bảo nó không bị trầy xước, rơi rớt hoặc mất, nhưng dùng chiếc điện thoại cũ với màn hình bị nứt một cách bất cẩn. Loài quạ cũng tương tự như vậy.”

Quạ New Caledonian
Quạ New Caledonian.

Quạ New Caledonian (Corvus moneduloides) nổi tiếng về sự thông minh, đến mức các nhà khoa học đã sử dụng chúng như một hình mẫu để giúp giải đáp sự tiến hóa của việc sử dụng công cụ và các hành vi liên quan như lập kế hoạch sử dụng.

Những con quạ thông minh này không chỉ có thể sử dụng các vật chúng tìm thấy làm công cụ, chúng còn có thể tạo hình hoặc thậm chí tạo công cụ từ nhiều bộ phận riêng lẻ, điều mà trước đây chỉ được quan sát thấy ở các loài linh trưởng.

Trong môi trường hoang dã, chúng sử dụng những công cụ bằng cành cây được giữ cẩn thận trong mỏ, để chọc vào sâu bọ ẩn đang mình một cách an toàn trong các lỗ trên cây. Sâu bọ sẽ cắn công cụ như một cách tự vệ, con quạ sau đó sẽ rút cành cây ra và đánh chén miếng mồi vừa “câu” được. Nhưng quạ phải đặt công cụ của chúng xuống khi đang ăn, vì vậy công cụ có thể rơi xuống đất hoặc thậm chí bị trộm, do đó, chúng còn nghĩ ra cách cất giấu công cụ, nếu đó là một món hàng "xịn".

Quạ có thể tìm cách sử dụng công cụ để phục vụ mục đích của mình
Quạ có thể tìm cách sử dụng công cụ để phục vụ mục đích của mình.

Các nhà nghiên cứu thử nghiệm trên 27 con quạ mà họ bắt từ môi trường hoang dã để đảm bảo chúng chưa bao giờ được đào tạo qua. Họ cung cấp hai lựa chọn công cụ cho chúng, và nhóm nghiên cứu xác nhận rằng những con quạ rất thích sử dụng cành cây có móc làm công cụ, so với một cành cây thẳng.

Nhà sinh thái học Christian Rutz của Đại học St Andrews giải thích: “Các công cụ có móc dù khó kiếm được hơn nhưng hiệu quả hơn nhiều. Quạ có thể bắt mồi bằng những công cụ này nhanh hơn gấp 10 lần so với những công cụ không móc".

Sau đó, những con chim được quan sát trong hai cuộc thử nghiệm, mỗi con vào những ngày riêng biệt. Trong cả hai, chúng được mang đến những khúc gỗ có các lỗ kích thước khác nhau, bên trong có mồi là thịt hoặc nhện. Trong một thử nghiệm, chúng sử dụng các nhánh cây có móc và trong lần khác là các nhánh cây thẳng.

Họ nhận thấy những con quạ sẽ có hành vi giữ công cụ của chúng khi đó là cành cây có móc, chúng sẽ cất công cụ dưới chân hoặc trong lỗ để tránh bị rơi hoặc bị con quạ khác đánh cắp, trong khi không quá quan tâm khi sử dụng cành cây thẳng.

Quạ sẽ có hành vi giữ công cụ của chúng khi đó là cành cây có móc.
Quạ sẽ có hành vi giữ công cụ của chúng khi đó là cành cây có móc.

Quạ có thể nhặt những nhánh cây thẳng từ nhiều nơi, nhưng những nhánh cây có móc thì đôi khi chúng phải tự tìm cách lấy ra từ nhánh cây lớn

Điều này vẫn xảy ra khi chúng dùng công cụ được cung cấp sẵn, cho thấy loài quạ biết được công cụ nào có giá trị hơn bởi chính công dụng của nó, không phải thời gian mà chúng bỏ ra để tìm kiếm công cụ. Chúng đã sử dụng phương pháp bảo quản an toàn nhất là cất giữ công cụ trong các lỗ rất nhiều lần đối với cành cây có móc.

Nhà nghiên cứu James St Clair của Đại học St Andrews cho biết: “Thật thú vị khi thấy loài quạ biết cẩn thận hơn với những công cụ mà chúng biết là khó tìm kiếm và hiệu quả hơn. Điều này có thể cho thấy rằng chúng có một số quan niệm về 'giá trị' tương đối của các loại công cụ khác nhau."

Những loài quạ cũng đã được biến đến với khả năng lập kế hoạch trước, điều đó có nghĩa là chúng cũng có thể xác định giá trị ưu tiên cho công cụ sử dụng.

Quạ có thể xác định giá trị ưu tiên cho công cụ sử dụng.
Quạ có thể xác định giá trị ưu tiên cho công cụ sử dụng.

Từ lâu, chúng ta đã đánh giá thấp khả năng của loài chim vì bộ não tương đối nhỏ của chúng, nhưng các nghiên cứu sinh lý học đã chỉ ra rằng sự phân bố dày đặc của các tế bào thần kinh của chúng đã bù đắp về kích thước.

Các nghiên cứu liên tục tiết lộ những loài "khủng long thời hiện đại" này có khả năng thực hiện các hành vi mà chúng ta từng nghĩ rằng thuộc về con người. Chứng minh rằng trí thông minh là một điều phức tạp không chỉ phát sinh một cách tự nhiên với loài người. Thậm chí, các nhà nghiên cứu còn tin rằng nếu loài người biến mất, các loài chim có trí thông minh cao sẽ là những ứng cử viên sáng giá để thay thế chúng ta.

Cập nhật: 28/12/2021 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 406