Khi nhật thực toàn phần diễn ra, động vật tại nhiều vườn thú có rất nhiều hành động kỳ lạ khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên.
Trong lúc hàng triệu người trên khắp Bắc Mỹ sẽ ngước lên bầu trời để chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần vào ngày 8/4 tới, một số nhà khoa học lại quan tâm đến sự thay đổi hành vi ở một số loài động vật, đặc biệt là những loài biết bay, do ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên nhiên này.
Các nhà khoa học sẽ theo dõi chặt hành vi của các loài chim khi mặt trời dần "biến mất" vào ban ngày. (Ảnh: Yunus Malik/Shutterstock.com).
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Điểu học Cornell đặc biệt theo dõi chặt chẽ các loài chim, dơi và côn trùng, sau khi những sinh vật này thể hiện một số hành vi khá kỳ lạ trong lần nhật thực toàn phần gần đây nhất xảy ra ở Bắc Mỹ.
Andrew Farnsworth, tác giả chính của nghiên cứu về hành vi của động vật bay trong lần nhật thực năm 2017, cho biết: "Vào lúc hoàng hôn, côn trùng, chim và dơi sẽ sà xuống mặt đất để ngủ hoặc chuẩn bị cho những hoạt động về đêm của chúng. Tuy nhiên, trong lần nhật thực năm 2017, chúng tôi nhận thấy số lượng các chuyển động bay của côn trùng và chim giảm và rất khác thường khi ánh sáng mờ dần đi và mặt trời bỗng dưng biến mất".
Lần nhật thực sắp tới mang đến cho nhóm cơ hội nghiên cứu thêm về những thay đổi khác thường trên.
Để làm được điều này, họ đang lên kế hoạch sử dụng các trạm radar thời tiết trên đường đi của nhật thực ở Mỹ để đo lường các hoạt động trên không. Bằng cách loại bỏ các tín hiệu từ các hiện tượng thời tiết, họ có thể đo chuyển động của các loài động vật bay - như chim - trong khoảng thời gian ngắn 3-4 phút.
Sau đó, vào thời điểm hoàng hôn, họ sẽ đo lại hoạt động của chúng để so sánh những thay đổi nhỏ nhất về hành vi trong thời gian nhật thực toàn phần diễn ra.
Chỉ có tám trạm được lắp đặt trên tuyến đường xảy ra nhật thực năm 2017. Lần nhật thực tới sẽ có 13 trạm, các nhà khoa học hy vọng họ sẽ có một bức tranh đầy đủ hơn về những thay đổi hành vi của động vật bay trước những biến đổi của ánh sáng mặt trời.
Hành vi kì lạ của chim khi nhật thực diễn ra có thể liên quan đến sự phản ứng của chúng với ánh sáng. (Ảnh: The Washington Post).
"Rất khó để điều khiển ánh sáng ở quy mô lớn" - Cecilia Nilsson, nhà sinh thái học hành vi, người đứng đầu nghiên cứu năm 2017, cho biết - "và hiện tượng tự nhiên độc đáo này đang giúp chúng tôi thiết lập một "thí nghiệm" khổng lồ".
Trong lần nhật thực toàn phần gần nhất xuất hiện ở Mỹ năm 2017, động vật tại nhiều vườn thú có rất nhiều hành động kỳ lạ khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên, như: rùa đột nhiên lắc lư, hươu cao cổ tụ tập và phi nước đại, khỉ đầu chó bị nuôi nhốt bỗng nhiên lấy tay chải chuốt kịch liệt, nhện gỡ mạng, một số loài lưỡng cư bỗng cất giọng kêu lạ thường, ong bay về tổ...