Các nhà nghiên cứu mới đây đã tìm thấy tượng một con chim nhỏ, có kích thước dài khoảng 1,5cm, được điêu khắc trên một mẩu xương bị cháy, có niên đại khoảng 13.500 năm trước.
Đây được xem là một tác phẩm điêu khắc lâu đời nhất tại khu vực Đông Á, đồng thời qua đó hé lộ nguồn gốc nghệ thuật điêu khắc 3D độc đáo của Trung Quốc, khác hẳn với kỹ thuật điêu khắc thời tiền sử ở nhiều nơi trên thế giới.
Bức tượng chim nhìn từ nhiều góc độ. (Nguồn: newscientist).
Ngày 10/6, các nhà nghiên cứu cho biết tác phẩm điêu khắc này đã được tìm thấy tại một địa điểm gọi là Lingjing ở tỉnh Hồ Nam, mô tả một con chim đứng trên bệ.
Các nhà nghiên cứu cho biết bức tượng được điêu khắc từ xương của loài động vật có vú. Tượng được chế tác bằng các công cụ đá, sử dụng 4 phương pháp điêu khắc, mài mòn, cắt, cạo và rạch.
Đây là tác phẩm nghệ thuật 3D lâu đời nhất được biết đến của Trung Quốc và trên toàn Đông Á, là sản phẩm của Kỷ băng hà săn bắn hái lượm.
Cho đến nay, các tác phẩm điêu khắc 3D của loài người được biết đến sớm nhất được làm từ ngà voi ma mút, có từ 40.000 năm trước tại miền Nam nước Đức.
Ông Francesco D'Errico, nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm quốc gia Pháp về nghiên cứu khoa học, cho biết ông đã sử dụng kính hiển vi để quan sát bức tượng và vô cùng ấn tượng về độ phân giải 3D tinh xảo mà nghệ nhân đã thực hiện được trên bức tượng này.
Theo ông, khám phá này cho thấy bức tượng là sản phẩm của nghệ nhân bậc thầy sở hữu kỹ thuật chế tác siêu nhỏ.
Ông Francesco D'Errico cho rằng nghệ nhân điêu khắc bức tượng này nắm rõ về vấn đề thăng bằng khi điêu khắc chiếc đuôi của con chim quá cỡ so với thân chim để đảm bảo con chim không bị ngã về phía trước.
Theo ông D'Errico, tác phẩm điêu khắc này có kích cỡ, kỹ thuật chế tác và kiểu dáng khác với các tác phẩm cùng thời kỳ hoặc lâu đời hơn từ châu Âu và Siberi, điều này chứng tỏ tác phẩm thuộc về một loại hình mỹ thuật truyền thống đặc biệt của Trung Quốc.